Tranh giành nhà mẹ, Giám đốc thanh minh lòng hiếu thảo
(ĐVO) - Một tay tôi lo mọi thứ từ nhà cửa, các em, nuôi dưỡng chăm lo cho mẹ. Không để cụ thiếu cái gì, tôi còn cho cụ đi nghỉ mát, du lịch... thích gì là được đấy. Còn thế nào nữa?
Tố ngược
Ngày 19/12, tiếp xúc với phóng viên, vợ chồng ông Đào Văn Chung (60 tuổi) cùng vợ chồng ông Đào Minh Lợi (42 tuổi) bác bỏ những thông tin cho rằng hai người đã thuê côn đồ "đột kích" để chiếm ngôi nhà 153 Láng Hạ của mẹ đẻ mình là cụ Nguyễn Thị Muộn.
Ông Chung cho rằng, có người tố ông đằng sau giật dây là không đúng. Sự việc ông không hề biết gì, ông không có mặt ở đó. Theo lời ông Chung, ông được bố mẹ cho một ngôi nhà trên phố Hàm Long để phụng dưỡng cậu ruột bị hỏng mắt bẩm sinh. Ngôi nhà ở Láng Hạ do ông xây dựng nhưng ông không về ở ngày nào mà chỉ xây lên để cho mẹ và các em về ở.
Ông Đào Văn Chung - người bị tố đứng đằng sau giật dây cho em trai thuê côn đồ phá nhà mẹ |
Theo bà Nhung (vợ ông Lợi) giải thích: "Chính bên đó thuê đầu gấu khóa cửa nhà tôi. Nếu tôi thuê đầu gấu thì tại sao công ty tôi đang làm ăn phải phải khóa cửa đến 2 tháng trời, toàn bộ đồ đạc quần áo của tôi trong đó. Người nhà ngoại tôi bức xúc, mới giúp vợ chồng tôi. Những người xe thương binh đó là người nhà tôi họ đến mở khóa giúp tôi chứ không phải là xã hội đen.
Giờ tôi mới biết, gia đình chồng toàn lưu manh, còn thuê cả đầu gấu đến phá cửa vào phòng vợ chồng tôi ở, nửa đêm còn gọi cửa đe dọa. Mục đích của vợ chồng anh Tiến là muốn đổi chúng tôi ra khỏi nhà. Tôi đã phải làm đơn gửi công an cầu cứu. Sau đó còn lừa vợ chồng tôi rồi cho người khóa cửa lại.
Bà Nhung cho rằng, ngôi nhà này là do anh cả (ông Chung) xây lên, chồng tôi (ông Lợi) trông nom, sửa sang. Nếu không được chúng tôi sửa sang làm sao được như thế. Khi nhà chưa sửa, vợ chồng ông Tiến còn không thèm về thăm mẹ kêu nhà bẩn phải chăm mẹ, chỉ về bên ngoại.
Mà nào có phải chăm ngày nào, một tay tôi cơm bưng nước rót cho bà, không tin cứ thử hỏi hàng xóm xem ai phục vụ bà 10 năm qua. 10 năm về làm dâu, công to việc lớn cỗ bàn là vợ chồng anh cả với vợ chồng chị có ai dòm ngó.
Ông Tuấn trong Sài Gòn thì lô đề, bán cả nhà, cả xe. Mùng 4 tết anh Chung phải bay vào để mua nhà cho ông Tuấn. Còn vợ chồng ông Tiến bà Thanh thực chất đã bỏ nhau rồi, đây chỉ là hình thức dối trá về lừa đảo bán nhà để lấy tiền rồi sang nước ngoài thôi chứ hiếu thảo nỗi gì.
Các con cụ bên nước ngoài đói dài cổ chờ đồng lương trợ cấp thất nghiệp lấy gì gửi về cho cụ mà bảo có sổ tiết kiệm mấy trăm triệu. Tiền thuê nhà cụ cũng thu gần 1 năm nay, chính cụ còn nói không có chúng tôi thì cụ chết xanh cỏ rồi, bà Nhung bức xúc.
Hết lòng hầu hạ mẹ
Trước thông tin cho rằng con cái bỏ bê, không chăm sóc mẹ, ông Chung thở dài: "Tôi tự kiểm điểm về bản thân tôi sống với hàng xóm, với mẹ, anh em chưa mất lòng một ai cả. Không tin cô thử hỏi hàng xóm láng giềng, mẹ làm giỗ không ai đến, tôi làm giỗ thì không thiếu một ai.
Ông Chung một mực khẳng định mình là người hiếu thảo |
Để nói là mình sống rất đúng mức. Tiền bán đất chỉ đủ để xây nhà, còn tiền thuê cửa hàng tôi dùng để chi trả, lo cho các em tôi có cho tôi được đồng nào đâu. Tôi mua nhà trong Sài Gòn cho chú Tuấn (300 triệu), rồi giúp các em gái, gửi tiền cho em trai. Tôi không chỉ xây nhà to đẹp đàng hoàng, lo cho mẹ, tôi còn lo cho tất cả các em. Chỉ trừ chú Thắng là tôi chưa lo được cho đồng nào vì chú đi nước ngoài quá sớm.
Vợ chồng chú Tiến bên Đức, khi vợ tôi sang còn ôm vợ tôi khóc lóc, kêu chị ơi em khổ quá. Em không quên ơn anh chị đâu.
Đến cô Thủy có nhà to đẹp trên Lý Thường Kiệt cũng là tôi lo. Cô Oanh cũng thế, tôi lo cho nhà cửa, vốn làm ăn, cửa hàng kinh doanh. Nhưng các vị ấy cứ cờ bạc lô đề rồi về tranh nhau.
Vợ chồng tôi vừa làm nhà, vừa phải đèo đón con, cháu đi học (con cô Oanh ở, con chú Tiến), ngoài ra vợ chồng tôi còn phải đi làm kiếm đồng chi tiêu, nuôi cả một đống không phải một người đâu cháu ạ.
Nói tôi không chăm lo cho mẹ là không đúng. Cụ thích ăn gì là tôi mua cho. Bà thì ăn kiêng chủ yếu là ăn tôm, cá, dứa, tôi đi đâu mà nhìn thấy dứa là tôi phải mua cho bà vì bà không có dứa là bà không ăn được cơm.
Hàng ngày có vợ chồng chú Lợi nấu nướng cho cụ nếu chú Lợi mà bận thì chú nấu. Thậm chí, có hôm cô còn xuống nấu cho cụ ăn.
Tôi cũng rất bận, ngoài việc đi làm còn đưa đón con và cháu nhưng tôi vẫn cố gắng. Dù bận nhưng nếu mẹ tôi muốn đi du lịch, nước nào tôi cũng cho đi, đi xuyên Việt tôi cũng cho đi thậm chí lên cả Kim Bôi nghỉ dưỡng cả tháng trời. Nếu mẹ tôi nói tôi không chăm sóc cụ là không đúng", ông Chung kể những ngày chăm sóc mẹ.
Theo ông Chung, trong tất cả các con cái chỉ có một lần vợ chồng chú Tiến với cô Thanh mời bà đi Nghệ An hay gì đó, còn lại bản thân vợ chồng ông đưa bà đi Nha Trang, Vũng Tàu, Sài Gòn, Cát Bà. Chỉ cần hỏi bà đã đi được những đâu rồi là biết ngay thôi.
"Tôi làm ngôi nhà đấy là vì mẹ còn sống ngày nào thì mẹ tôi được hưởng, chứ không vì riêng ai. Nếu nói tôi tham, làm nhà để chiếm đoạt, hưởng thụ thì tôi phải về ở chứ đây tôi chưa ngủ một ngày nào. Vào nhà cửa thì biết, toàn bộ đồ đạc tôi sắm sửa.
Tôi mua cả mấy xích lô bát đĩa, mới đây tôi đã sửa lại hoàn toàn tủ bếp, điều hòa, vô tuyến trên phòng bếp, cây nóng lạnh ở phòng khách.
Đến đóng cái đinh cũng là tôi, tôi còn nói vui "mẹ xem con 60 con còn đi làm ôsin cho mẹ, tôi còn thò tay rửa bệt vệ sinh cho mẹ. Đối với tôi mẹ là nhất. Tôi chưa bao giờ nói bậy, vô lễ với mẹ. Tôi chưa bao giờ có gì để mẹ chê trách. Thế mà bây giờ cụ già rồi lại đổi tính", ông Chung thở dài.
Suốt bao nhiêu năm không xảy ra chuyện gì, khi các em tôi ở nước ngoài trở về mới xảy ra chuyện chia chác mâu thuẫn. Theo ông Chung, mâu thuẫn bắt nguồn từ cách chia.
"Sổ đỏ tên vợ chồng tôi nhưng cụ giữ, nhà của cụ, đất của cụ làm sao mang đi được. Hơn nữa, khi kê khai là vợ chồng chú út kê khai, cụ ủy quyền chứ tôi có tự kê khai đâu", ông Chung tâm sự.
Theo ông Chung, khi bố ông mất đi, đã để lại di chúc miệng, nhà Láng Hạ chính xác là chỉ để cho 3 anh (Thắng, Tuấn, Lợi) nhưng chưa phát sinh chú Tuấn đã được ông mua nhà. Sau này, khi vợ chồng chú Tiến về cụ lại đổi ý chia đều cho tất cả (chú Tiến đã có nhà thì không có phần nữa) nên mới xảy ra mâu thuẫn.
Ông Chung chia sẻ "Mẹ tôi già rồi nên hay lẫn. Thậm chí cụ cũng có tính nói "điêu". Hàng tháng tôi chu cấp 3 triệu cho cụ ăn tiêu cụ lại nói có 2 triệu. Chăm lo cho cụ, cụ lại bảo là không.
Giờ tôi đứng ngoài hết, không nhận suất nào trong ngôi nhà cả, tôi chỉ yêu cầu trả lại đúng tên cho mẹ tôi là cụ Nguyễn Thị Muôn. Nếu tôi tham, tôi có làm như thế không?", ông Chung đặt câu hỏi.
- Nguyễn Lam
http://www.baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/201212/Giam-doc-cuop-nha-me-thanh-minh-long-hieu-thao-2209054/