Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2013

Basam bàn tiếp chuyện hôm qua - KHÔNG DỄ CHÚT NÀO


Không dễ chút nào, tiếp câu chuyện sáng qua

Ba Sàm

images
Bàn tiếp câu chuyện sáng qua về việc liệu có bên nào trong giới chóp bu biết nắm lấy cơ hội tranh thủ sự ủng hộ của Dân, thông qua việc mở rộng quyền tự do dân chủ, trong cuộc “chỉnh đốn” mà hóa ra chủ yếu là tìm cách “chỉnh nhau” rồi “đốn hạ”.

Trước hết, trở lại bài viết của blogger Osin, tức nhà báo Huy Đức hồi tháng 9/2012: Bẫy việt vị của Thủ tướng, trong đó đề cập tớinhững “đòn phép” dân chủ đưa ra nhằm cứu nguy cho bản thân ra sao. Một mặt, “đồng chí X” ngầm ra lệnh cấm biểu tình ở Hà Nội; mặt khác, cũng chính “đồng chí X” bất ngờ đưa ra đề nghị sớm có luật biểu tình. Sau đó lại đăng đàn “trả lời chất vấn” bằng một bài chuẩn bị sẵn rất mạch lạc, mạnh mẽ về Biển Đông nhưng bị ngờ là nhằm tránh búa rìu dư luận về Vinashin, ngân hàng. Kế đến là những màn “rỉ tai” những câu chuyện như thể có nhóm “thân Tàu” đang tính kế hại Thủ tướng. Chỉ có chiêu cuối cùng đã không được tung ra, sau khi thông tin này đã được đưa lên mạng: “Nhóm ‘13’ hiện đã chuẩn bị theo đơn đặt hàng của ông Nguyễn Tấn Dũng một bài phát biểu về nhà nước pháp quyền”.
Không thấy bài phát biểu đó, nhưng mới đây – 25/1/2013, “Nhóm 13” này, được gọi là “các chuyên gia kinh tế”, bất ngờ xuất hiện qua VTV-Thời sự và vài bản tin báo chí. Cuối buổi làm việc, trong câu chuyện tâm tình giữa bữa cơm thân mật tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng cũng đã thổ lộ những tâm tư mong muốn làm sao phải dứt khoát mở rộng hơn quyền tự do dân chủ cho người dân, thông qua một số vấn đề rất cụ thể hiện nay, thì chế độ này mới hòng tránh khỏi bị lật đổ. Đã có người trong nhóm cho rằng, quả tình, nhìn các gương mặt trong giới chóp bu chính trị hiện nay, chỉ có ông là người đủ bản lĩnh, điều kiện để đi đầu nắm lấy thứ vũ khí tối thượng đó – lòng Dân.
Nghe có vẻ buồn cười khi một người được cho là đang mất lòng dân nhất mà có thể sẽ được lòng dân nhất. Nhưng sẽ là thực tế, rất nghiêm chỉnh khi nó mang ý nghĩa như một sự “sám hối”, không còn là thủ đoạn chính trị nữa. Tuy nhiên, có thể là đã muộn với ông thủ tướng. Giữa lúc những sức ép cải cách thể chế chính trị, dân chủ hóa thông qua sửa đổi Hiến pháp đã trở nên rất mạnh mẽ, đúng cơ hội hiếm có, làm cho những người bảo thủ nhất cũng phải suy tính lại, thì chắc khó có thể chịu cho ông nắm lấy ngọn cờ này để thoát hiểm ngoạn mục một lần nữa.
Vậy thì liệu có thể nào chính những người “kiên định lập trường” nhất sẽ nắm lấy ngọn cờ cải cách này hay không? Dẫu “muốn” thì với bản lĩnh xưa nay đã rõ, họ có làm nổi không, có “qua mắt” được đám “bạn vàng” ở Bắc Kinh không? Nếu “không” thì chỉ còn một cách cuối cùng … Xin được bàn tiếp vào sáng mai – ngày 3/2.
Theo ABS
Tựa của Quê Choa