Việc Chính phủ đề xuất Quốc hội dời lại kế hoạch thông qua Luật Đất đai sửa đổi trong khi phần lớn đại biểu Quốc hội muốn tiến hành ngay trong kỳ họp thứ 3 đang diễn ra này khiến người dân rất quan tâm, bởi đây là vấn đề lớn, hệ trọng
Đúng như nhiều đại biểu Quốc hội đã nói, nếu dời đến kỳ họp thứ 6, năm 2014 mới thông qua thì phải đến năm 2015 mới ban hành. Đó là chưa kể phải mất thêm rất nhiều thời gian nữa soạn thảo các văn bản dưới luật để hướng dẫn thi hành. Trong khi đó, đất đai đang là vấn đề rất nóng, liên quan mật thiết đến quyền lợi của hàng chục triệu hộ gia đình và những mầm mống bất ổn xã hội.
Sự sốt ruột của những người đại biểu nhân dân là có lý. Từ năm 2005, sau khi kiểm tra việc thực thi Luật Đất đai 2003, chúng ta đã rút ra được kết luận là khiếu kiện về đất đai chiếm tới 70% tổng lượng khiếu kiện của dân, trong đó có tới 70% là khiếu kiện về giá đất tính bồi thường không hợp lý. Tình trạng tranh chấp, khiếu nại liên quan đến đất đai hiện vẫn tiếp tục diễn ra, nguyên nhân phần lớn do Luật Đất đai chưa rõ ràng, bất hợp lý.
Bộ Tài nguyên - Môi trường đã dành rất nhiều thời gian để trưng cầu ý kiến của các giới, ngành đóng góp sửa đổi Luật Đất đai. Từ thực tiễn cũng như qua nghiên cứu, những bất cập chính của Luật Đất đai hiện nay được rút ra là: Khái niệm sở hữu đất đai chưa rõ ràng, dễ gây hiểu nhầm; hạn điền 3 ha không hợp lý; thời hạn giao đất 20 năm quá ngắn, khiến nông dân không an tâm đầu tư lâu dài... Đây cũng là những nội dung mà dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tập trung điều chỉnh. Nhiều giới, ngành đã cùng chung nhận định: Sửa đổi những bất cập này sẽ tháo ngòi tranh chấp về đất đai vốn rất nan giải bao năm nay.
Điều đặc biệt là quá trình sửa đổi Luật Đất đai hiện nay song hành cùng sửa đổi Hiến pháp, trong những nội dung Hiến pháp sửa đổi có phần về đất đai, cho nên phải có sự trùng khớp, chặt chẽ tối đa.
Do vậy, Chính phủ cho rằng cần có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng hơn. Song theo nhiều đại biểu Quốc hội, đây là thời điểm chín muồi để xem xét thông qua Luật Đất đai sửa đổi, không có lý do nào quá lớn đến mức phải trì hoãn. Cần nhớ rằng năm tới, 2013, là thời điểm kết thúc thời hạn giao đất 20 năm (theo Luật Đất đai 1993). Vì thế, phải cân nhắc, lường trước những hậu quả có thể xảy ra một khi quy định của pháp luật về sở hữu đất, quyền sử dụng đất vẫn còn chưa rõ ràng, dễ làm cho chính quyền các địa phương và cán bộ thừa hành vận dụng sai luật, đẩy người dân vào thế bị thu hồi đất, bí bách đường sống.
Vấn đề chuyển dịch đất đai luôn là tâm điểm của pháp luật đất đai ở các nước đang thực hiện công nghiệp hóa, đô thị hóa. Cơ chế phù hợp sẽ tạo được sự phát triển kinh tế nhanh và bảo đảm được bền vững xã hội.