Thứ Hai, 15 tháng 10, 2012

Khủng hoảng ĐỊNH CHẾ


Canh bạc của Đảng Cộng sản

Trần Minh Khôi
viết từ Pennsylvania, Hoa Kỳ
Cập nhật: 15:06 GMT - chủ nhật, 14 tháng 10, 2012

Hội nghị Trung ương 6 bế mạc ngày 15/10

Một vị trưởng lão trong giang hồ, một giáo sư đáng kính và là người xưa nay vẫn có thái độ thân thiện với chính quyền Việt Nam, nói với tôi, giọng khinh miệt, “Chừng nào hắn [Nguyễn Tấn Dũng] còn ngồi đó thì tôi sẽ không về Việt Nam”. 

Có vẻ như nhiều người cũng không muốn ông thủ tướng ngồi ở đó nữa. Nhiều tiếng nói trên không gian mạng không ngần ngại bày tỏ công khai điều này.
   

Vì nhiều lý do, cũng dễ hiểu, người ta tin rằng nếu ông Dũng ra đi thì Đảng và Nhà nước Việt Nam giải quyết được các vấn đề khủng hoảng hiện nay, trong đó khủng hoảng lớn nhất vẫn là khủng hoảng tính chính đáng của lãnh đạo.

Việc ông Dũng rời khỏi ghế thủ tướng lúc này có thể đem đến một cảm giác thở phào cho nhiều người nhưng niềm tin cho rằng có ai đó đến thế chỗ ông có khả năng giải quyết khủng hoảng là một niềm tin không có cơ sở.

Khủng hoảng hiện nay ở Việt Nam là khủng hoảng định chế chứ không phải khủng hoảng nhân sự.

Những người lãnh đạo Đảng Cộng sản hiểu điều này và nếu họ khôn ngoan thì họ sẽ để ông Dũng ngồi yên đó.
Khủng hoảng định chế

Ông Dũng ra đi giúp được gì cho Đảng, ngoài việc làm giảm đi áp lực của bức xúc xã hội trong một thời gian ngắn? Không giúp được điều gì chắc chắn cả.

Đó là chưa nói đến những rủi ro khác, mà rủi ro lớn nhất là Đảng sẽ mất luôn khả năng kiểm soát các lực lượng âm binh của ông Dũng trong an ninh và kinh tế mà từ trước đến nay Đảng vẫn không kiểm soát được. Đám âm binh này do ông Dũng tạo nên, ông sống với chúng và hiện nay nếu trong Bộ Chính trị có ai có khả năng điều khiển chúng thì người đó chính là ông Dũng.

"Những người lãnh đạo Đảng Cộng sản có thể xung đột đến mức loại trừ nhau nhưng họ chỉ loại trừ nhau khi không gây rủi ro cho quyền lãnh đạo của Đảng." 

Những người lãnh đạo Đảng Cộng sản có thể xung đột đến mức loại trừ nhau nhưng họ chỉ loại trừ nhau khi không gây rủi ro cho quyền lãnh đạo của Đảng.

Một khi quyền lãnh đạo đó bị đe dọa, bởi bất cứ thế lực nào, thì một sợi dây vô hình sẽ buộc chặt họ lại với nhau. Lúc này không có lý do gì để tin rằng cái gọi là “trận chiến Ba-Tư”, nếu thật sự có thật một trận chiến như thế, sẽ đưa đến kết quả làm phân hóa Đảng.

Tóm lại: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ không đi đâu cả. Và đó là điều tốt.

Sự xuất hiện trở lại của Ban Kinh tế Trung ương và việc Ban Chỉ đạo Chống Tham nhũng nay thuộc về Đảng là những tín hiệu xấu cho tiến trình pháp quyền hóa ở Việt Nam.

Phải mất gần hai thập niên, và phải cần đến những vị tổng bí thư yếu bóng vía như Nông Đức Mạnh, để Việt Nam có thể chuyển trung tâm quyền lực từ Đảng sang phía hành pháp của chính phủ. Đây là một bước tiến lớn trong tiến trình pháp quyền hóa, dù chưa phải là dân chủ hóa, đời sống chính trị quốc gia.

Vấn đề khủng hoảng hiện nay không phải là vì do một cá nhân nào mà là sự khủng hoảng có tính hệ thống. Khủng hoảng là do quyền lực tập trung quá lớn vào chính phủ trong sự thiếu vắng một cơ chế kiểm soát hữu hiệu.

Ở các nước dân chủ, quyền kiểm soát này nằm trong tay Quốc hội. Ở Việt Nam, những người lãnh đạo Đảng Cộng sản nghĩ rằng qua cơ chế “cung vua – phủ chúa”, và từ các cơ chế của Đảng, họ có thể kiểm soát được hoạt động của chính phủ.

Họ đã sai lầm.

Ngay cả khi chính phủ là do đảng cầm quyền dựng nên trong một nhà nước độc đảng thì nó luôn vận hành theo một logic chức năng và quyền hạn mà đảng cầm quyền không thể kiểm soát được. Chỉ có một hệ thống pháp lý hoàn thiện mới có khả năng kiểm soát quyền lực của chính phủ.

Đưa chức năng kiểm soát này về lại với Đảng là một bước đi thụt lùi, phản động.


'Quyền lực không bị kiểm soát'

Có thể trong một thời gian ngắn, bằng một số biện pháp hành chánh nào đó, như “phê và tự phê” chẳng hạn, Đảng có thể kìm hãm sự vô độ của chính phủ nhưng về lâu về dài Đảng sẽ không giải quyết được những khủng hoảng tiếp theo: khủng hoảng pháp lý.

Nên nhớ, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn hoạt động ngoài vòng pháp luật. Cho đến giờ phút này vẫn không tồn tại một đạo luật nào quy định vai trò và trách nhiệm của Đảng đối với chính phủ.

Đáng lẽ ra, thay vì hoảng hốt đưa các ban bệ với chức năng kiểm soát chính phủ đó về lại trong các cơ cấu của Đảng, Đảng nên mạnh dạn chuyển chúng sang cho Quốc hội.

Tại sao phải nặn ra những thứ ban bệ trong khung quyền lực của Đảng khi mà đã tồn tại những ủy ban tương tự như thế ở Quốc hội? Tại sao không để Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội kiểm soát hoạt động kinh tế, tài chính của chính phủ? Tại sao phải không giao cho Ủy ban Pháp lý của Quốc hội trách nhiệm chống tham nhũng?

Đảng phải bước ra khỏi sự sợ hãi mất quyền lực truyền thống để tiếp tục cố gắng xây dựng một hệ thống pháp quyền ở Việt Nam. Việt Nam đang đi trên con đường chuyển từ đảng quyền sang pháp quyền. Quay trở lại lúc này, dù trong giai đoạn khủng hoảng, chứng tỏ những người lãnh đạo Đảng thiếu bản lĩnh.

Trở lại với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: ông Dũng cũng chỉ là nạn nhân của quyền lực không bị kiểm soát. Khủng hoảng do ông gây ra là khủng hoảng định chế.

Cần chuyển hóa định chế chứ không phải chuyển đổi nhân sự. Định chế phải được chuyển hóa theo hướng pháp quyền hóa chứ không phải quay trở lại với đảng quyền hóa đời sống chính trị quốc gia. Những người lãnh đạo Đảng lúc này phải có đủ bản lĩnh và quyết đoán để:

"Ông Dũng cũng chỉ là nạn nhân của quyền lực không bị kiểm soát. Khủng hoảng do ông gây ra là khủng hoảng định chế. "

Chặt hết những vây cánh do sự lạm dụng quyền lực tạo nên xung quanh ông Dũng. Trả lại cho Quốc hội quyền kiểm soát quyền lực chính phủ, nhanh chóng thông qua những đạo luật có tính hồi tố để chống tham nhũng. Luật hóa sự tồn tại và quyền lực của Đảng để tránh khủng hoảng pháp lý trong tương lai.

Như đã nói, đảng cầm quyền, ngay cả trong cơ chế độc đảng, không bao giờ có khả năng kiểm soát quyền lực chính phủ của chính nó đẻ ra. Những khủng hoảng hiện nay là sự tiếp tục của chuỗi khủng hoảng mang tính hệ thống đối với những nhà nước độc tài.

Nếu không xây dựng được một hệ thống pháp quyền, với sự chia sẻ và giám sát quyền lực hữu hiệu, Đảng và nhà nước sẽ đi từ khủng hoảng này đến khủng hoảng khác cho đến khi sụp đổ.

Canh bạc của Đảng hiện nay không phải là chuyện ai thắng ai trong “trận chiến Ba-Tư”, hay trong bất cứ xung đột quyền lực và quyền lợi của cá nhân lãnh đạo nào. Canh bạc của Đảng chính là là sự lựa chọn bản lĩnh và thông minh để tiếp tục tồn tại và cầm quyền.

Thời gian của sự lựa chọn này không nhiều.

Bài viết được đăng với sự đồng ý của tác giả, một kỹ sư hiện sống tại Pennsylvania, Hoa Kỳ; và thể hiện quan điểm và văn phong của riêng ông. Quý vị có ý kiến trao đổi, xin gửi về vietnamese@bbc.co.ukTheo BBC

Trung ương Đảng 'thay đổi nhân sự lớn'?

Cập nhật: 14:48 GMT - thứ sáu, 12 tháng 10, 2012
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (trái), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (phải)
Giáo sư Thuyết cho rằng có nhiều khả năng có thay đổi nhân sự
Cựu đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết nhận định có nhiều khả năng sẽ có thay đổi nhân sự sau Hội nghị Trung ương trong lúc có ý kiến từ bên ngoài cho rằng 'ai làm đúng tinh thần Nghị quyễt 4 thì ở lại, ai sai thì phải đi'.
Trả lời câu hỏi của BBC về chuyện liệu các đồn đoán hiện nay về khả năng thậm chí có cả thay đổi ở vị trí thủ tướng, Giáo sư Thuyết nói:
"Tôi nghĩ là khả năng cũng lớn đấy,"
"Bởi vì chỉ riêng cái việc phải chịu trách nhiệm về những vụ việc lớn như Vinashin, Vinalines và các tập đoàn khác, về cái việc để cho ngân hàng bị lũng đoạn, rồi về những sự yếu kém của nền kinh tế, sự xuống cấp của văn hóa, xã hội... thì khả năng thay đổi chắc là phải có."
Tuy nhiên, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cũng đánh giá lịch trình của thay đổi nếu xảy ra:
"Chắc chắn là nếu như có thay đổi thì ngay sau Hội nghị này là người ta thay đổi rồi,"
"Các kết quả cuối cùng sẽ được công bố vào ngày kết thúc Hội nghị, theo dự kiến là ngày 15/10."
'Bão lớn'
Giáo sư Thuyết nói tình thế hiện nay buộc Hội nghị Trung ương phải có "đột phá" vì "nếu không có đột phá cũng không được" vì người dân đang có nhiều bức xúc trong khi Nghị quyết Trung ương 4 cũng đã hứa hẹn sẽ có những thay đổi căn bản.
"
Vị cựu Đại biểu Quốc hội cũng nhắc tới chuyện cuộc họp được triệu tập sớm 15 ngày bên cạnh chuyện bảo vệ bí mật cho hội nghị dài tới hơn hai tuần và nói Đảng sẽ không có những bước đi như vậy nếu đây chỉ là một hội nghị bình thường.
Mặc dù vậy ông cũng nói mọi chuyện còn tùy thuộc vào "ý kiến thực tế" của các Ủy viên Trung ương và kết luận điều tra của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng.
Khi được hỏi liệu Bộ Chính trị liệu có phải chịu trách nhiệm tập thể khi mà Đảng đóng vai trò lãnh đạo tối cao, Giáo sư Thuyết nói ông biết có những trường hợp cả một Thường vụ Tỉnh ủy đã phải kiểm điểm nhưng điều này chưa xảy ra ở cấp cao hơn.
Hai nhà quan sát Việt Nam khác không muốn nêu tên cũng có suy nghĩ như Giáo sư Thuyết và một người nói bóng gió rằng hiện đang có "bão lớn".
Một trong hai vị nói tình hình kinh tế Việt Nam chưa bao giờ bấp bênh như hiện nay kể từ khi tiến trình Đổi Mới bắt đầu hồi năm 1986.
'Người đi, người về'
Bình luận từ Singapore, nhà nghiên cứu Việt Nam David Koh từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á lại cho rằng có hai luồng ý kiến khác nhau về những gì được bàn kín tại Hội nghị Trung ương 4 trong đó vấn đề chỉnh đốn Đảng được chú trọng:
"Ví dụ là có một cách nói của một số người bảo rằng Nghị quyết đó 'là chỉ "đổi việc chứ không đổi người,' ông Koh trả lời bằng tiếng Việt.
Thể chế ở Việt Nam là Đảng lãnh đạo và người dân 'chỉ được đi theo'
"Nếu mà lấy tinh thần đấy làm chính thì mọi người mong muốn là một số người được thay thế nào đó thì... chắc là việc này không có đâu.
"Còn nếu tinh thần Hội nghị Trung ương 4 là ... ai sai thì phải đi, ai đúng ở lại thì theo tinh thần đó sẽ có người đi người về thôi," ông Koh nói.
Ông Koh, người nói ông không có thông tin từ bên trong cuộc họp hiện nay, cũng nhắc lại rằng các vị trí chủ chốt trong chính quyền hiện nay xuất phát từ các đánh giá tại Đại hội XI của Đảng Cộng sản hồi tháng 1/2011 và từ đó tới nay thời gian chưa phải là dài.
Trước câu hỏi liệu việc Đảng họp kín trong suốt hai tuần có đi trái với tuyên bố của họ về chuyện "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" hay không, Tiến sỹ Koh nói:
"...Sau khi Đảng quyết định xong rồi thì 'dân biết, dân làm, dân kiểm tra'."
"Ý của Đảng Cộng sản Việt Nam không phải là dân hãy biết mọi điều, mặc dù có một điều thực chất dân mà biết thì chưa chắc là hay đâu,"
"Dân cũng hiểu rằng hệ thống chính trị ở Việt Nam là Đảng đi trước, dân đi theo. Còn nó có tốt hay không tốt thì lại là chuyện khác."
Cần 'đột phá'
Tiến sỹ Koh nói Việt Nam hiện đang cần có những thay đổi lớn nhưng cũng cảnh báo sự cải thiện sẽ không tới nhanh.
"Thì rõ ràng tình hình trong nước đã đến giai đoạn phải có sự đột phá.
"Còn sự đột phá thì như tôi vừa ngồi với anh em chiều nay cũng bàn tới chuyện này thì bọn tôi cũng nghĩ rằng là dọn một nhóm người đi thì chưa chắc là cái cần phải thay đổi sẽ đến ngay.
"Mọi việc thời này thì nó không phải như thế đâu, nó sẽ đi ngoắt ngoéo, lúc trầm, lúc thăng nên mọi người hãy bình tĩnh.
"Thay lãnh đạo có lẽ rất quan trọng, có thể là việc đầu tiên phải làm, nhưng không có nghĩa là con người này sẽ có thể sửa hệ thống này để mọi người có thể đi theo một đường tốt hơn trong một vài năm thôi.
"Tôi nghĩ là đường đi còn dài, mọi người không nên sốt ruột và cứ phải xem là đi cái đường nào và cho hệ thống này một chút thời gian để nó tự điều chỉnh.
"Tôi nghĩ là đường đi còn dài, mọi người không nên sốt ruột và cứ phải xem là đi cái đường nào và cho hệ thống này một chút thời gian để nó tự điều chỉnh."
Tiến sỹ David Koh
"Tôi nghĩ là trong giới lãnh đạo thực ra cũng có nhiều người nhận ra tất cả những vấn đề dân đã biết và dân muốn được làm nhưng để thay đổi một hệ thống nó ăn sâu vào tâm trí, thói quen của những người cầm quyền ở trên thì nó cần thời gian lâu hơn.
Ông cũng nói với BBC Việt Nam đã có 4.000 năm lịch sử thì chuyện đợi chờ thêm 10 năm nữa để có thay đổi cũng không phải là chuyện gì lớn.
Theo Tiến sỹ Koh, ở Việt Nam các chính trị gia có thể chuyển từ bảo thủ sang cải cách và ngược lại tùy nhận định của họ về sự cần thiết cũng như lợi ích mà các thay đổi mang lại.
Trong khi đó một người từng cùng là phó Thủ tướng với ông Nguyễn Tấn Dũng hồi đầu những năm 2000 mới đây cũng lên tiếng về chuyện ai sẽ phải chịu trách nhiệm về những sai phạm kinh tế vừa qua.
Ông BấmVũ Khoan nói Việt Nam đang đứng trước các thách thức kinh tế mà "đã lâu rồi không gặp phải" trong khi đang có "sự phân tâm, lo lắng trong xã hội" và những thách thức đối ngoại cũng rất lớn.
Ông Khoan từng được cho là một trong những đối thủ của ông Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc đua vào ghế thủ tướng nhưng ông đã rút lui.