Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2013

Không nên thu hồi đất cho dự án phát triển kinh tế - xã hội

:
 

Công an TP. Hồ Chí Minh góp ý Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi)


Không nên thu hồi đất cho dự án phát triển kinh tế - xã hội
 Thứ ba, 02/04/2013 08:21 
 
(CATP) Tiếp tục góp ý Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), cán bộ chiến sĩ Công an TP.Hồ Chí Minh đóng góp ý kiến về lĩnh vực thu hồi đất, tài chính về đất đai, giá đất. Cần tránh việc lợi dụng danh nghĩa thu hồi đất để trục lợi cá nhân, tổ chức và chủ đầu tư dự án phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quyền lợi về tài sản đất đai của người dân; trong lý do Nhà nước thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, công cộng cũng đã bao gồm các dự án phát triển kinh tế - xã hội, mặt khác nếu quy định “thu hồi đất để sử dụng vào mục đích thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội” thì dễ bị lạm dụng phục vụ lợi ích riêng, lợi ích nhóm. Vì vậy, tại khoản 1 Điều 15, đề nghị bỏ quy định Nhà nước quyết định thu hồi đất để sử dụng vào mục đích thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời bỏ Điều 61; bỏ cụm từ “Điều 61” tại khoản 1 Điều 68; bỏ cụm từ “thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội” tại khoản 3 Điều 25, Điều 62, Điều 66, Điều 73 và bỏ các quy định có liên quan đến việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Các nhà đầu tư thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội phải trực tiếp thỏa thuận với người sử dụng đất. Vậy khoản 1 Điều 15 đề nghị sửa lại như sau: “1. Thu hồi đất để sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng”. Trên thực tế, khi đã có quyết định thu hồi đất của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng trong một thời gian dài các cơ quan có liên quan vẫn chưa thực hiện công tác thu hồi đất. Việc không có chế tài về thời hạn hoàn thành thu hồi đất dễ bị cá nhân trục lợi, gây thất thoát cho Nhà nước, đồng thời gây ra nhiều khó khăn cho cá nhân, tổ chức có đất bị thu hồi. Vì vậy Dự thảo Luật Đất đai cần bổ sung quy định về thời hạn có hiệu lực của quyết định thu hồi đất.

Tại Điều 17 về định giá đất, Nhà nước cần giải quyết sự chênh lệch giữa mức giá khi có quyết định thu hồi đất với giá thị trường tại thời điểm ra quyết định thu hồi đất và giá đền bù cho cá nhân, tổ chức bị thu hồi đất. Thời gian qua việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo quy định của Luật Đất đai 2003 còn nhiều bất cập, giá bồi thường tại thời điểm thu hồi đất chênh lệch rất lớn và thấp hơn nhiều so với giá thị trường; chính sách hỗ trợ, tái định cư còn nhiều điểm chưa hợp lý, rất nhiều trường hợp hộ gia đình khi chuyển về nơi tái định cư không có việc làm, đời sống gặp nhiều khó khăn, trong khi chính quyền địa phương, chủ đầu tư chưa thực sự quan tâm đến đời sống của họ... Đó là một trong những nguyên nhân gây cản trở trong công tác thu hồi, chống người thi hành công vụ, khiếu kiện đất đai kéo dài làm phức tạp tình hình chính trị địa phương. Vì vậy, khi nhà nước thu hồi đất theo quy định tại khoản 3 Điều 25 và khoản 1 Điều 72, thì cần có quy định cụ thể để đảm bảo giải quyết chênh lệch giữa mức giá bồi thường với mức giá trên thị trường tại thời điểm quyết định thu hồi đất và có chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hợp lý cho cá nhân, hộ gia đình và tổ chức bị thu hồi đất.

Để giảm bớt chênh lệch giàu nghèo, đồng thời đảm bảo cho người thu nhập thấp tại các đô thị có thể tiếp cận với việc mua nhà để ở và khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp, đề nghị bổ sung quy định miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong trường hợp sử dụng đất để thực hiện chính sách “nhà ở cho người thu nhập thấp tại các đô thị từ loại một trở lên” tại khoản 3 Điều 105, cụ thể như sau: “3. Sử dụng đất để thực hiện chính sách nhà ở, đất ở đối với người có công với nước, hộ gia đình nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo; sử dụng đất để xây dựng nhà chung cư cho công nhân các khu công nghiệp, ký túc xá sinh viên; nhà ở xã hội, nhà ở cho người phải di dời do thiên tai, nhà ở cho người thu nhập thấp tại các đô thị từ loại 1 trở lên”. Tại Điều 109 về bảng giá  đất, đề nghị chọn phương án 1 vì bảng giá đất được xác định, xây dựng và điều chỉnh bám sát với giá đất của thị trường và đảm bảo sự khách quan, công bằng trong tính giá đất.

Để phù hợp với Luật Cán bộ công chức đề nghị bỏ cụm từ “cách chức” thay bằng cụm từ  “và quyết định các hình thức kỷ luật theo quy định của Luật Cán bộ công chức” tại khoản 3 Điều 24 và đề nghị sửa lại như sau: “3. Công chức địa chính ở xã, phường, thị trấn do Chủ tịch UBND huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là UBND cấp huyện) bổ nhiệm, miễn nhiệm và ra quyết định các hình thức kỷ luật theo quy định của Luật Cán bộ công chức”.


http://www.congan.com.vn/?mod=detnews&catid=681&p=&id=492280