Thứ Tư, 17 tháng 4, 2013

Sách trắng quốc phòng Trung Quốc: Báo Quân đội nhân dân phụ họa, Báo Tuổi trẻ chỉ trích



Đôi lời: Trong khi bài trên Tuổi trẻ lên án nghiêm khắc “việc Bắc Kinh đổ lỗi cho các nước 
láng giềng giáp biển làm cho tình hình thêm căng thẳng và nghiêm trọng thì chẳng khác nào “vừa ăn cướp vừa la làng”. Thái độ này càng đáng lên án nếu xét đến việc thời gian qualực lượng hải giám Trung Quốc thường xuyên dùng vũ lực trấn áp ngư dân của các nước ven biển Đông thì trên “Quân đội nhân dân” là những trích dẫn được cắt gọt tinh vi, diễn giải lắt léo theo lối đánh lạc hướng dư luận, cùng  với giọng điệu như phụ họa thêm cho thái độ ngang ngược của bọn kẻ cướp đang la làng này.
Đây không phải là lần đầu tờ “Quân đội nhân dân” thể hiện một ý đồ “diễn biến hòa bình”, lừa mị nhân dân, quân đội về bản chất của tên kẻ thù truyền kiếp, nguy hiểm nhất đang xâm lăng biển đảo của ta, như một kế hoạch xuyên suốt qua rất nhiều tin, bài trong nhiều năm qua. 

Vừa ăn cướp vừa la làng  


18/04/2013 08:14 (GMT + 7)
.
TT – Chính phủ Trung Quốc vừa có màn trình diễn về “tính minh bạch” trong quốc phòng bằng việc công bố Sách trắng dài 40 trang. Lần đầu tiên từ năm 2011, Bắc Kinh đưa ra những chi tiết về quy mô và cơ cấu các lực lượng vũ trang của nước này.
China's Ministry of Defence spokesman Colonel Yang speaks to journalists during a news conference in Beijing
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân công bố Sách trắng quốc phòng 2013 với báo chí – Ảnh: Reuters.


Đây là một tài liệu phục vụ tuyên truyền đối ngoại, lời lẽ mềm mỏng hơn giọng điệu nặng tính chỉ trích đối với các đối thủ trên nhật báo Quân Giải Phóng ra cùng ngày. Sách trắng cho thấy mấy điểm đáng chú ý.
Thứ nhất, Sách trắng ám chỉ Mỹ là bên đang gây nên “sự căng thẳng ở châu Á – Thái Bình Dương bằng cách tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực và củng cố quan hệ với các đồng minh”. Mặc dù Bắc Kinh không nêu đích danh Mỹ nhưng thông điệp này là không thể nhầm lẫn, nhất là khi liên kết nó với nhận định trong chương I về tình hình nhiệm vụ.
Sách trắng này nêu rõ: “Mỹ đang điều chỉnh chiến lược châu Á – Thái Bình Dương và bối cảnh khu vực đang trải qua những biến đổi sâu sắc”. Việc giảm thiểu giọng điệu chỉ trích Mỹ phù hợp với chủ trương của Bắc Kinh là tìm cách lôi kéo và cải thiện quan hệ với Mỹ khi vừa diễn ra chuyến thăm của Ngoại trưởng John Kerry.
Chủ trương này được Sách trắng nêu: “Trung Quốc theo đuổi quan niệm mới về an ninh, dựa trên sự tin cậy lẫn nhau, cùng có lợi, bình đẳng và theo đuổi an ninh tổng thể và hợp tác an ninh chung”. Điều đó cho thấy Bắc Kinh đang tìm kiếm một khuôn khổ mới cho quan hệ an ninh với các nước lớn, trước hết là với Mỹ. Còn quan niệm mới này có liên quan gì đến quan hệ với các nước khác (và nhỏ hơn) thì cần phải theo dõi kỹ những gì Trung Quốc làm.
Thứ hai, Sách trắng nêu bật vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ biển đảo, trong đó cho rằng “một số nước láng giềng đang có những hành động làm phức tạp và trầm trọng thêm tình hình, và Nhật đang gây rối xung quanh vấn đề đảo Điếu Ngư”.
Sở dĩ Sách trắng nhấn mạnh đến các thách thức từ phía hai nước lớn Mỹ và Nhật chủ yếu là để biện minh cho việc Trung Quốc tiếp tục tăng ngân sách quốc phòng hai chữ số hằng năm. Thế nhưng, việc Bắc Kinh đổ lỗi cho các nước láng giềng giáp biển làm cho tình hình thêm căng thẳng và nghiêm trọng thì chẳng khác nào “vừa ăn cướp vừa la làng”. Thái độ này càng đáng lên án nếu xét đến việc thời gian qua lực lượng hải giám Trung Quốc thường xuyên dùng vũ lực trấn áp ngư dân của các nước ven biển Đông.
Sách trắng cũng không quên nhắc lại luận điệu cũ rích là Trung Quốc “chống lại bá quyền và chính trị cường quyền nước lớn” và “sẽ không bao giờ tìm kiếm bá quyền hoặc cư xử bá quyền”. Thế nhưng, kể từ khi điều này được tuyên bố một cách long trọng tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 17 (2007) thì Trung Quốc đã đưa cuộc xung đột trên biển Đông lên cường độ cao.
Và kể từ khi nó được lặp lại tại Đại hội 18 (2012), Trung Quốc vẫn tiếp tục đẩy mạnh tranh chấp, khai thác trên biển Đông. Với quy định từ ngày 1-1-2013 “chặn tàu, khám tàu, trục xuất tàu” nước ngoài đi vào biển Đông, Bắc Kinh đã bộc lộ ý đồ thiết lập một trật tự trên biển Đông do Trung Quốc chủ đạo.
Thứ ba, Sách trắng tiếp tục khẳng định “kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia cốt lõi” khi nêu rõ “Trung Quốc là một cường quốc hải dương cũng như trên đất liền” và hải quân Trung Quốc có nhiệm vụ hỗ trợ việc thực thi luật biển của Trung Quốc, đánh cá và khai thác dầu khí; “tuần tra và quản lý hải giới ở vịnh Bắc bộ và khu vực biển Hoàng Sa” (Trung Quốc gọi là Tây Sa).
Điểm được nhấn mạnh trong Sách trắng là hải quân Trung Quốc cần mở rộng phạm vi hoạt động nhằm bảo vệ “những lợi ích hải ngoại của Trung Quốc đã trở thành một bộ phận cấu thành các lợi ích quốc gia của Trung Quốc”, trong đó có việc “đảm bảo an ninh cho vận chuyển năng lượng và tài nguyên, các tuyến đường biển chiến lược, cũng như cho công dân và quyền lợi người Trung Quốc ở hải ngoại”.
Bổ sung cho những quan điểm được nêu trong Sách trắng, tướng Trần Châu – giám đốc Học viện Quân sự Bắc Kinh – viết trên China Daily (ngày 17-4): “Các lợi ích an ninh của Trung Quốc kéo dài từ đất liền ra biển cả, lên khoảng không vũ trụ, không gian mạng, từ an ninh lãnh thổ tới các lợi ích hải ngoại, và từ các khu vực truyền thống tới các lĩnh vực phi truyền thống”.
Thứ tư, chương IV của Sách trắng đề cao vai trò quân đội như lực lượng quan trọng “duy trì ổn định xã hội” và “trật tự xã hội”. Với việc tăng ngân sách quốc phòng cùng thực thi những mục tiêu đầy tham vọng về đối nội và đối ngoại, vai trò quân đội được tăng cường một bước đáng kể cùng với việc xác lập quyền lực của thế hệ lãnh đạo thứ năm tại Trung Quốc. Đây là thời đại quân đội lên ngôi ở Trung Quốc.
Với vai trò ngày càng lớn ấy, quân đội Trung Quốc chắc sẽ tạo ra nhiều phức tạp cho quan hệ giữa Bắc Kinh với các nước láng giềng.
TS NGUYỄN NGỌC TRƯỜNG
——————

Những điểm mới trong Sách Trắng Quốc phòng của Trung Quốc

QĐND – Thứ Ba, 16/04/2013, 21:28 (GMT+7)
QĐND - Theo Tân Hoa xã, Trung Quốc ngày 16-4 đã công bố Sách Trắng về “Sự vận dụng đa dạng hóa các lực lượng vũ trang Trung Quốc”, trong đó giới thiệu chi tiết khái niệm an ninh mới cũng như việc vận dụng các lực lượng vũ trang trong thời bình của nước này. Đây là Sách Trắng Quốc phòng thứ 8 của Chính phủ Trung Quốc kể từ năm 1998.
3
Họp báo giới thiệu Sách Trắng Quốc phòng Trung Quốc tại Bắc Kinh ngày 16-4. Ảnh: Tân Hoa xã
Khái niệm an ninh mới
Sách Trắng Quốc phòng vừa được công bố chỉ ra rằng, Trung Quốc sẽ giới thiệu một khái niệm an ninh mới, theo đó đề cao sự tin tưởng lẫn nhau, lợi ích chung, sự bình đẳng và phối hợp, đồng thời theo đuổi an ninh toàn diện, an ninh chung và hợp tác an ninh. “Trung Quốc sẽ không bao giờ theo đuổi bá quyền, hành xử theo kiểu bá quyền hay bành trướng quân đội” – Sách Trắng nêu rõ.
Văn kiện này cũng cung cấp thông tin chi tiết về việc vận dụng đa dạng các lực lượng vũ trang trong thời bình, đồng thời lý giải điều này là nhằm đáp ứng nhu cầu an ninh cốt lõi của Trung Quốc cũng như để duy trì an ninh, ngăn chặn khủng hoảng và giành thắng lợi trong các cuộc chiến.
Cụ thể, lực lượng vũ trang Trung Quốc được giao nhiệm vụ bảo vệ biên giới và bờ biển, bảo đảm an ninh không phận, nâng cao khả năng trực chiến và gia tăng các cuộc tập trận cũng như diễn tập chiến đấu. Sách Trắng khẳng định, PLA sẽ tăng cường huấn luyện xa bờ và hải quân Trung Quốc sẽ tổ chức huấn luyện nhiều hình thức cho các lực lượng đặc nhiệm hỗn hợp. Sách Trắng nêu rõ, lực lượng vũ trang Trung Quốc sẵn sàng chặn đứng và đáp trả kiên quyết bất kỳ hành động khiêu khích gây phương hại đến chủ quyền, an ninh và sự toàn vẹn lãnh thổ nước này.
Công khai phiên hiệu của 18 tập đoàn quân
Sách Trắng chỉ ra rằng, những năm gần đây, Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tiến hành cải cách như tăng cường chức năng quản lý, thành lập Ban Quy hoạch chiến lược Quân giải phóng, biên chế lại và sáp nhập một số ban ngành; xây dựng lực lượng tác chiến theo mô hình mới, tối ưu hóa cơ cấu các quân, binh chủng, cải cách mô hình tổ chức, tăng cường trang bị vũ khí kỹ thuật công nghệ cao… Theo văn kiện này, bộ đội tác chiến cơ động lục quân hiện nay của Trung Quốc bao gồm 18 tập đoàn quân với 850.000 quân, trong đó lực lượng hải quân có 235.000 người, lực lượng không quân có 398.000 người.
Đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc công khai phiên hiệu của 18 tập đoàn quân thuộc PLA trong Sách Trắng Quốc phòng của nước này. Tân Hoa xã cho rằng, việc công khai là nhằm tăng cường sự minh bạch của lực lượng vũ trang Trung Quốc.
Ngoài ra, Sách Trắng cũng đề cập đến nhiệm vụ, quân số và trang thiết bị của lực lượng pháo binh 2, lực lượng cảnh sát vũ trang và lực lượng dân quân. Trong Sách Trắng, Trung Quốc lần đầu tiên công bố tên gọi của các loại vũ khí tên lửa mới của lực lượng pháo binh 2.
Chỉ trích Mỹ về căng thẳng khu vực
Theo Hãng tin Kyodo, đề cập đến vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển với Nhật Bản, Sách Trắng Quốc phòng của Trung Quốc nhấn mạnh: “Về các vấn đề liên quan tới chủ quyền lãnh thổ, các quyền lợi và lợi ích biển của Trung Quốc, một số quốc gia láng giềng đã có các hành động làm cho tình hình trở nên phức tạp cũng như trầm trọng hơn, và Nhật Bản đang “gây rối” về vấn đề quần đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Xên-ca-cư)”.
Roi-tơ cho hay, Sách Trắng Quốc phòng của Trung Quốc cũng nói rằng “một số quốc gia” đang làm gia tăng căng thẳng tại châu Á-Thái Bình Dương, chỉ trích các nỗ lực của Mỹ nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự và các liên minh trong khu vực. Trong Sách Trắng Quốc phòng, Trung Quốc cũng bày tỏ không hài lòng với điều mà Mỹ gọi là “tái cân bằng lực lượng” khi Oa-sinh-tơn rút dần quân khỏi cuộc chiến ở Áp-ga-ni-xtan và “xoay trọng tâm” vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Văn kiện trên cho biết, Bắc Kinh đang phải đối chọi với “nhiều mối đe dọa an ninh phức tạp” cho dù đang ngày càng gia tăng ảnh hưởng, đồng thời nhấn mạnh chiến lược trên của Mỹ đồng nghĩa với “những thay đổi sâu sắc” đối với khu vực.
Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc còn khẳng định: “Các cường quốc đang phát triển mạnh mẽ các công nghệ quân sự mới và tối tân hơn nhằm bảo đảm rằng họ có thể duy trì thế thượng phong chiến lược khi cạnh tranh với quốc tế trong các lĩnh vực như không gian vũ trụ và không gian mạng”.
Sách Trắng Quốc phòng của Trung Quốc cũng nhấn mạnh các vùng biển và đại dương có vai trò quan trọng sống còn đối với sự thịnh vượng của người dân và tương lai của đất nước Trung Quốc.
ANH VŨ