Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2013

Toilet 5 sao và tiền tỷ phơi nắng

Toilet 5 sao và tiền tỷ phơi nắng

Vấn đề là phải có nền giáo dục, cơ chế trách nhiệm, pháp luật... nào để khiến mỗi người khi ở vào vị trí được tiêu của công, biết "run tay" khi cảm thấy có thể lãng phí dù chỉ một đồng?
Vàng đã dát túi ai?
Vào một khách sạn, chỉ cần quan sát mức độ sang trọng của toilet (khu vệ sinh), chúng ta cũng đã có thể tương đối đánh giá được tầm cỡ của khách sạn đó. Tuy nhiên, nếu đem kinh nghiệm này áp dụng vào một số trường hợp toilet trường học, ta rất dễ "bé cái nhầm".
Chẳng hạn, liệu bạn có hình dung được những toilet công cộng cỡ trên nửa tỷ đồng tại những trường học nghèo ở miền núi, và sản phẩm từ số tiền đó chỉ là những khu toilet hết sức đơn sơ. Nếu thấy khó hình dung, hãy đến Quảng Ngãi để "trải nghiệm".
Tại đây, từ năm 2010 đến nay, Sở GD-ĐT của tỉnh đã làm chủ đầu tư xây dựng 24 công trình nước sạch, nhà vệ sinh cho các trường học với tổng kinh phí hơn 12,27 tỉ đồng. Mức giá cho mỗi nhà vệ sinh dao động từ 300 đến cao nhất là gần 750 triệu đồng. Trung bình, chi phí cho mỗi khu nhà vệ sinh là 510 triệu đồng.
Cá biệt, có trường đã có hai nhà vệ sinh, bao gồm nhà vệ sinh cũ của trường và một nhà vệ sinh thuộc dự án khác mới đưa vào sử dụng, vẫn được "ấn" tiếp cho cái thứ ba, có giá gần 600 triệu đồng. Tại một nhà vệ sinh khác, trị giá tới 721 triệu đồng, sau nửa năm sử dụng, vòi nước hỏng, trường phải dùng ca múc nước để... giội bể tiểu.
Có khu vệ sinh với diện tích chỉ 29 m2, đã "ngốn" mất gần 600 triệu đồng, tức mức tổng đầu tư cho mỗi m2 là khoảng 20 triệu.
Nhiều người nhẩm tính, mức giá đó gấp rưỡi giá nhà chung cư tại một số khu của Hà Nội gấp khoảng 2 lần giá nhà chung cư tại TP. HCM và gấp khoảng... 8 - 10 lần tiền xây nhà ở nông thôn khác. Nếu vậy tính ra, giới làm công ăn lương tích cóp cả đời, chẳng những vẫn không đủ mua một căn nhà, mà giờ muốn xây một nhà vệ sinh công cộng trong trường học cũng không xong.
Có người hài hước rằng, với mức tiền đó thì họa chăng có chỗ nào của toilet... dát vàng chăng. Rồi có nhà thầu độc lập được báo chí đưa đến thực địa, đã khẳng định xây khu nhà vệ sinh trị giá 721 triệu tại trường nọ chỉ tốn không quá... 130 triệu đồng, cho dù có đổ 10 khối bê tông bên dưới.
Họp báo ngày 13/6, lãnh đạo sở GD-ĐT Quảng Ngãi lý giải rằng số tiền đó còn chia thành các khoản này, khoản kia. Nhưng không phải đâu xa, ngay tại tỉnh Quảng Nam, theo báo chí tìm hiểu, giá xây dựng nhà vệ sinh tại một số trường vị trí rất heo hút, cao nhất cũng chỉ hơn 160 triệu đồng, với diện tích, tiện nghi to hơn hẳn của tỉnh bạn.
Đến đây, chúng ta hoàn toàn có quyền hoài nghi, có lẽ không phải nhà vệ sinh dát vàng, mà phải chăng vàng đã... "dát" vào túi ai. Như ông Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, đã đặt ra câu hỏi: "Có điều khuất tất gì chăng?"
Vấn đề thứ 2, là ở những trường học nghèo, còn biết bao thứ cần trang bị, sửa chữa. Vung tay xây những khu vệ sinh "xa xỉ" đến vậy, liệu có tội với các em học trò?
Nhà vệ sinh hơn nửa tỷ, mà học sinh lại phải học trong "trường có 10 phòng học cấp 4 được xây từ năm 1980 nay đã xuống cấp, hư hỏng trầm trọng. Các cột, kèo bị mối mọt có nguy cơ sập...". Rồi "lớp học, bàn ghế đầu tư hơn 20 năm rồi, hư hỏng mất 60%, xuống cấp nghiêm trọng vẫn chưa có kinh phí thay mới".
Tất nhiên, sẽ có ý kiến cho rằng, sao phải tán loạn lên vì mấy cái nhà vệ sinh trường học. Trong khi ngành giáo dục còn biết bao vấn nạn, biết bao lãng phí to lớn cần giải quyết. Đến như kỳ thi tốt nghiệp trung học, nhiều người còn thấy nên... bỏ vì lãng phí vô ích nữa là.
Nhưng không chặn tận gốc những lãng phí, ăn bớt nhỏ, tất sẽ tạo mầm mống cho những sai lầm lớn hơn. Từ những nhà vệ sinh nửa tỷ, đến những cổng chào thành phố vài chục tỷ nhanh chóng tơi tả, rồi những công trình thất thoát trăm nghìn tỷ, cách nhau không hề quá xa.
Thêm vào đó, các nhà giáo dục rao giảng cho học sinh về sự trung thực, về đức tiết kiệm, trong khi lại hành động trái ngược, liệu xã hội sẽ "gặt" về những học sinh thế nào?
Gần đây, các trường học, ngành giáo dục đã bắt đầu đưa vào đề thi những vấn đề nóng của xã hội để các em bình luận. Có lẽ cũng đã đến lúc ngành nên đưa cả những vấn đề của mình, như chuyện nhà vệ sinh "5 sao" này chẳng hạn, vào đề thi để học sinh cùng tham gia "mổ xẻ" chăng?
Chúng ta mong muốn một thế hệ trẻ tiến bộ, tự tin, tràn đầy tinh thần phản biện hơn hẳn lớp đi trước. Nhưng thực tế, là người trực tiếp chịu ảnh hưởng của những sản phẩm từ nền giáo dục, các em lại chỉ có thể luôn ở thế tiếp nhận thụ động, tất cả những gì được "ấn xuống", kể cả những khu vệ sinh phi lý kia.
{keywords}
Cổng ngôi trường có nhà vệ sinh hơn 600 triệu đồng. Ảnh: Văn Minh/ VNE
Mua tiền tỷ về... phơi nắng
Một cuộc "chơi sang" khác, cũng làm nóng dư luận thời gian vừa qua là vụ "tiền tỷ phơi nắng". Câu chuyện bắt đầu từ những thiết bị đắt tiền, trị giá hàng tỷ, đã bị lãng quên thi gan "cùng tuế nguyệt".
Những thiết bị đó thuộc dự án điện mặt trời cho các xã đặc biệt khó khăn. Dự án có tổng mức đầu tư gần 197,3 tỉ đồng (gần 8 triệu euro), trong đó hơn 134 tỉ đồng là vốn hỗ trợ phát triển (ODA) vay từ Phần Lan.
Ngày 3/12/2012, trong báo cáo trình Chính phủ, Ủy ban Dân tộc đã nêu rất rõ, dự án này "đã hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng". Tuy nhiên, cho đến tháng 3, rồi trung tuần tháng 5/2013, ít nhất tại hai xã của tỉnh Sơn La, vẫn còn hàng loạt thùng thiết bị tiền tỷ "phơi nắng", hoặc nằm... đắp chiếu suốt 2, 3 năm trong kho.
Còn theo tìm hiểu của báo chí, ở một số xã khác tại miền Trung, do các nguyên nhân như đã có điện lưới quốc gia, hoặc không được chuyển giao kỹ thuật, nên có những trạm điện mặt trời bị bỏ không, xuống cấp, thậm chí trở thành nơi cho... bò dạo chơi.
Còn nhớ, cũng vào tầm tháng 6 năm ngoái, trước thềm hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ, Bộ Ngoại giao Đan Mạch đã không ngần ngại tuyên bố dừng 3/4 dự án ODA tài trợ cho Việt Nam. Nguyên nhân là nước này nghi ngờ các cơ quan, đơn vị sử dụng chi sai khoảng 11,4 tỉ đồng.
Khoản tiền này với nước phát triển hẳn không lớn. Nhưng chính phủ Đan Mạch phải chịu trách nhiệm với từng đồng tiền chi ra, bởi chúng đều từ tiền đóng thuế của người dân nước họ. Và vì vậy, họ cũng không thể cho phép mình lãng phí.
Việt Nam vẫn đang là một nước nghèo, nhận vốn ODA từ các nước. Nhưng chúng ta tiêu những đồng tiền đi vay đó ra sao: mua thiết bị tiền tỷ về và... phơi nắng.
Không ít các chuyên gia từng cảnh báo tư duy coi tiền ODA như "chùm khế ngọt", như "tiền chùa", cứ xài thoải mái, nợ đâu đã có chính phủ trả. Có dự án rót về thì chẳng ai từ chối, dù nhiều khi chúng không đảm bảo tính khả thi, công nghệ xa vời và không mang lại hiệu quả thiết thực cho đời sống người dân.
Theo số liệu mới đây, nợ công VN hiện đã quá 50% GDP, và dự kiến có thể lên khoảng 65% GDP vào năm 2015. Trong đó, vốn vay ODA chiếm tới 70%.
Trong hơn 1 thập kỷ qua, mức nợ công bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng hơn 5 lần... Theo thống kê từ đồng hồ nợ công toàn cầu của tờ Economist, con số bình quân này đang ở mức hơn 800 USD năm 2013.
Những gì chúng ta vung tay hôm nay, sẽ là món nợ chất lên vai thế hệ con cháu đi sau. Có lẽ vẫn chưa nhiều nhà lãnh đạo, quản lý hình dung rõ được mối dây liên hệ đó, hoặc cho rằng, đó là con cháu ai, chứ chẳng phải "con cháu các cụ"?
{keywords}
Các thiết bị năng lượng mặt trời tiền tỷ nằm "phơi nắng". Ảnh: Tuấn Linh/ Infonet
Biết run tay
Ông Phạm Quang Nghị, bí thư Thành ủy Hà Nội, mới đây trong một phiên thảo luận tổ về dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sửa đổi, đã đặt ra câu hỏi: "Cha ông ta từ xưa được coi là cần cù, tiết kiệm. Nhưng tại sao đến khi đi vào sử dụng tài sản công thì sự lãng phí lại bắt đầu bộc lộ. Tài sản công bị coi là không của ai cả, thậm chí người nào quyết chi càng bạo tay, càng thoáng thì không khéo lại được khen vì ban phát nhiều".
Con người, có lẽ cho dù "Nhân chi sơ, tính bản thiện" (sinh ra đều có tính thiện) đi nữa, thì cũng không tránh khỏi mang "tham, sâm, si" trong đời. Tằn tiện của mình, vung tay của chung ắt không phải là đặc tính hiếm của dân tộc nào.
Nhưng vấn đề là phải có nền giáo dục, cơ chế trách nhiệm, pháp luật... nào để nắn chỉnh xu hướng đó? Để mỗi người khi ở vào vị trí được tiêu của công, biết "run tay" khi cảm thấy mình có thể lãng phí dù chỉ một đồng?
Mới đây, một số cán bộ công an tỉnh nọ, do sai sót về nghiệp vụ khiến người dân thiệt hại tài sản, đã được quyết định phải bỏ tiền túi ra đền. Một tiền lệ nên chăng cũng cần được nhân rộng?
* Xin bạn vui lòng gõ tiếng việt có dấu