PHÁT BIỂU ‘CHUẨN XÁC’ CỦA TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG
Ngày 18/8, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có buổi làm việc với Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Một cái khuyết điểm lớn của chúng ta là vừa qua sinh hoạt đảng không tốt, nhất là bên các cơ quan chính quyền. Hôm nọ tôi nói thẳng rồi đấy, … Có sinh hoạt chi bộ đều không? Hay là … hôm nay ta đến coi như là họp chi bộ nhá, xong về. Lại đi bàn công việc chuyên môn, thì chuyên môn ta bàn rồi … Rồi tham nhũng, tiêu cực, hối lộ, chạy chức, chạy quyền, lợi ích nhóm, ai bàn? Không mang ra chi bộ mà phân tích mổ xẻ?. Đây là cơ hội, đừng nghĩ đây là sức ép. Sức ép mà cũng là thời cơ"
Đặc biệt, trong lời phát biểu, TBT Nguyễn Phú Trọng nói rất chuẩn, ở chỗ: “Rồi người ta chẳng sợ cán bộ đảng nữa, người ta sợ anh nào có tiền, anh nào có quyền thôi”. Quả là chính xác, một phương pháp xem xét, nhận định, đánh giá của TBT rất “khách quan, khoa học, biện chứng”. Ai cũng biết, chữ dùng “người ta” ở đây là TBT muốn nói nhân dân, người dân thường. Dân ta không sợ đảng viên là phải rồi. Bởi vì như trong Điều lệ Đảng đã ghi rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc. Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân; dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; đoàn kết và lãnh đạo nhân dân tiến hành sự nghiệp cách mạng. Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là một bộ phận của hệ thống ấy”.
Đảng ta ưu việt như thế, cách mạng như thế, vì dân như thế, ai mà lại đi sợ cán bộ đảng viên? Cán bộ đảng viên phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân như Bác Hồ đã dặn dò trong Di chúc của Người! Nếu như cán bộ đảng viên nào mà làm cho dân sợ, dân coi thường, né tránh, không dám gần, thì đó mới là điều đáng sợ. Xưng là đảng viên một đảng CS chân chính mà làm cho người dân phải sợ hãi, khinh miệt thì tốt nhất là nên ra khỏi hàng ngũ của đảng, đừng để ‘con sâu làm rầu nồi canh’, đừng có vì những động cơ cá nhân thấp hèn mà lì lợm ở lại trong đội ngũ lãnh đạo thêm mang tiếng, thêm ô danh cho một đảng cầm quyền chân chính, đảng của giai cấp vô sản "do dân, vì dân, của dân" như chúng ta thường nghe! Nếu trong đảng hiện nay, không chỉ có vài ‘con sâu’ mà là "một bộ phận không nhỏ" đã trở thành những đàn sâu trong tổ chức đảng và chính quyền thì vấn đề vô cùng nghiêm trọng, mang tính hệ thống rồi! Đến mức dân phải sợ Đảng thì quả nhiên là nguy cơ – như TBT Nguyễn Phú Trọng nói – vai trò của Đảng bị lu mờ, mất hết tác dụng. Cho nên, trong mối quan hệ máu thịt Đảng với dân, đừng có cán bộ đảng viên nào để cho dân phải sợ. Cán bộ đảng viên phải gắn bó mật thiết với nhân dân như cá với nước, nhờ dân góp ý, xây dựng, phê bình cho cá nhân mình và cho tổ chức Đảng; phải làm sao để người dân tin yêu, mến phục, nể trọng, tuyệt đối không làm cho dân sợ, đừng có lên mặt “quan cách mạng” cho dân buộc phải phân tuyến với Đảng. Cán bộ đảng viên phải là nơi người dân thổ lộ tâm tư, nguyện vọng, vô tư thể hiện chính kiến, nơi người dân mong giúp tháo gỡ mọi khó khăn trong cuộc sống. Trên thực tế, đã có những cán bộ đảng viên lại tự biến mình thành “con ngáo ộp”, thành “ông kẹ” để mặc sức hò hét, mệnh lệnh quan liêu, cửa quyền, đe nẹt, dọa dẫm người dân, thậm chí đe dọa cuộc sống bình an, gây nguy hại tính mạng, tài sản của nhân dân đến mức phát sợ. Thế nên, “người ta”, tức là nhân dân "phải" sợ cán bộ đảng viên như thế, tìm cách xa lánh và khinh miệt nữa. Khi cán bộ đảng viên không coi trọng dân chủ mà lại sợ những ý kiến dân chủ mới là vấn đề cánh báo cần đáng bàn.
Những cán bộ đảng viên tốt, hội tụ đầy đủ phẩm chất của đảng viên cộng sản chân chính, một lòng mọt dạ vì dân vì nước, biết “lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ”, đồng cam cộng khổ với người dân lao động, thì người dân càng muốn gần gũi, tin nhờ, ai mà phải sợ? Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, chứ đâu phải đảng của chế độ độc tài phát xít, đảng "mafia" nào đó mà dân phải sợ? Thế nên, đã là cán bộ đảng viên của Đảng Cộng san mà làm cho người dân phải sợ, phải “kiềng mặt”, thấy ghê, “bẩn mặt”, phải né tránh thì quả nhiên là không xứng đáng, bị hỏng nặng rồi.
Ý thứ hai, TBT Nguyễn Phú Trọng nói: “người ta chỉ sợ anh nào có tiền, anh nào có quyền thôi!”. Lại càng đúng, chính xác như thế, rất “khách quan, khoa học, biện chứng”. Lẽ thường trong cuộc sống, khi đã có chức, có quyền lại lắm tiền thì quả là đáng sợ. Ngoài tiền và quyền chức, họ bất chấp mọi sự trên đời, coi mọi người chung quanh như rơm như rác, coi người dân không bằng vỏ trấu, hạt cát. Vốn dĩ đồng tiền từ xưa đến nay đều có hai mặt. Thực ra trong cuộc sống vẫn thấy đó đây những người tuy có tiền, nhưng vẫn giữ được phẩm chất, tư cách một con người, tuy có nhiều tiền (làm ăn chân chính), nhưng họ vẫn biết tôn trọng mọi người và thương đến, biết “để mắt” đến những người nghèo bất hạnh trong xã hội, vẫn biết quan tâm đến người lao động. Bên cạnh đó “một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên có chức có quyền”, khi họ đã có tiền thì người dân rất khó gần, thực sự là rất sợ họ. Họ nhìn người dân với cặp mắt cú vọ, cong cớn, khinh khỉnh ra vẽ ta đây được đứng trên đầu thiên hạ, rất vô cảm. Họ ưa quan hệ, móc nối với những người “cùng hội cùng thuyền”, cùng động cơ, cùng lối sống, cùng nhóm lợi ích để cấu kết, bè cánh, móc ngoặc phe phẩy.... Họ bưng tai, bịt mắt trước những cảnh dân nghèo cơ cực, trước những cảnh oan khốc, kêu gào thảm thiết. Mặc kệ, họ đã đi theo chủ nghĩa MACKENO, chỉ biết cá nhân, gia đình và phe nhóm, giữ chắc ghế, lo lót chạy chức chạy quyền để có cơ hội, có vị thế vơ vét được nhiều tiền hơn, mặc cho biết bao sự đời người dân rơi vào cảnh “hốt hoảng ngẩn ngơ, tiếng kêu dậy đất, oán ngờ lòa mây” (Nguyễn Du), không cần biết đến ai!
Chỉ điểm qua sơ sơ từ đầu năm đến nay, khi đã có Nghị quyết TƯ 4, nhưng thấy các vụ chính quyền cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng, Văn Giang, Vụ Bản, Dương Nội, Cần Thơ ...đã toát lên rất rõ nhận xét của TBT, quả là người dân đã phát sợ khi cán bộ đảng viên có chức có quyền nhưng chỉ hành động vì đồng tiền mà “bênh che đại gia, kệ cha dân chúng”. Họ chỉ thích nghe tiếng rủng rỉnh, xoèn xoẹt của kim tiền, đâu có nghe dân nói. Khi có chức, có quyền lại lắm tiền, họ không từ một thủ đoạn nào, kể cả tội ác, thuê mướn côn đồ, băng nhóm xã hội đen trả thù, đánh đập, chụp mũ những người dân vô tội đã bị “thế lực thù địch” xúi giục, hành động biểu hiện đụng chạm đến quyền lợi của họ, dám đòi lại quyền lợi chính đáng, hợp pháp mà đi ngáng trở “hoan lộ thăng quan tiến chức” của họ. Thế nên, quả là anh nào có tiền, có chức có quyền kiểu đó đều rất đáng sợ. Mừng là đồng chí TBT Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá đúngvề tổ chức và con người, đã rút ra kết luận về những mặt tồn tại, yếu kém, những suy thoái ngay trong Đảng ta một cách “khách quan, khoa học và biện chứng” như vậy.
Thời điểm này, cả nước đang có nhiều hoạt động kỷ niệm truyền thống Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9. Có được tất cả những thành tựu đó là nhờ nhân dân, do nhân dân và cũng theo mục đích vì nhân dân. Nếu Đảng cầm quyền mà buông lỏng vai trò lãnh đạo, xem nhẹ việc trong yếu là thực thi dân chủ, không giữ vững cấu nối Đảng với Dân, uy tín suy giảm lớn, thì đó là nguy cơ “tự diễn biến” mà mất quyền lãnh đạo, phải thấy chủ yếu vẫn do tự thân và nội lực, đừng đổ hoàn toàn cho “Diễn biến hòa bình” của phe, phái chống đối nào để bào chữa! Thực chất, suy cho hết mọi lẽ, không có một thế lực thù địch nào, phe phái nào mà đang được nắm trong tay một lợi thế cùng nguồn sức mạnh là lòng dân như Đảng ta. Do đó, không xây dựng được một đảng mạnh, một đảng lãnh đạo xứng tầm thời đại xứng với truyền thống gian nan mà hào hùng, nhất là xứng với niềm tin mà nhân dân đã giao cho, thì đó là do chính “tự thân” đảng bị yếu, dẫn tới hết quyền năng đã có. Một điều chắc chắn, khẳng định là khi Đảng ta được nhân dân nhiệt tình ủng hộ, một lòng hưởng ứng, thực sự được dân tin yêu, thì hoàn toàn những chi phối, kể cả những âm mưu, thủ đoạn của bất kỳ thế lực thù địch nào, của những ngoại lực mang tính khách quan nào cũng không thể phá được nội lực, khi bản thân nội lực đó có sức bền và đủ mạnh, một lòng vì nước vì dân, quét sạch bọn tham ô, tham nhũng đang ẩn mình trong các tổ chức Đảng và hệ thống chính trị do đảng lãnh đạo.
Mong sao, hơn 6,5 vạn các đảng viên viên đang sinh hoạt tại 4.202 chi bộ của 62 đảng bộ trực thuộc Khối Đảng ủy các cơ quan Trung ương qua đây nhận diện rõ và có sự “phân định rạch ròi” được như đồng chí TBT; để rồi thực hiện được điều mà TBT Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo các cán bộ đảng viên ở các cơ quan Trung ương, nơi làm gương cho các Bộ, ngành, địa phương,rằng: Thời gian tới cần tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác giáo dục tư tưởng, lý luận, nắm bắt tình hình tư tưởng của cán cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, chủ động và kịp thời định hướng thông tin để tạo sự thống nhất trong nhận thức. Nâng cao chất lượng tham mưu, đề xuất giúp Đảng, Nhà nước lãnh đạo và quản lý ở tầm vĩ mô; tăng cường phân tích, dự báo tình hình và kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong quản lý, tổng kết thực tiễn để tham mưu bổ sung, hoàn chỉnh chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tập trung vào việc xây dựng con người. Do vậy, công tác tổ chức cán bộ cần được đặc biệt quan tâm, nhất là công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống. Việc quy hoạch, luân chuyển, đề bạt cán bộ phải thật thận trọng, đúng người, đúng việc. Cần gương mẫu và nghiêm túc thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Liệu những lời chỉ đạo của TBT Nguyễn Phú Trọng có thấm sâu vào các cán bộ đảng viên tại khối Trung ương và những nơi khác, sẽ trở thành hiện thực, đi vào cuộc sống hay lại bị lu mờ trở thành "mua vui cũng được một vài trống canh" bởi sự tồn tại và trơn lì vô cảm của cái trường phái "Mackeno"?