Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2013

"TRIỀU ĐẠI" LÊ ĐỨC THỌ ĐANG LỤI TÀN...


"TRIỀU ĐẠI" LÊ ĐỨC THỌ ĐANG LỤI TÀN...

Đảng CSVN trong tình trạng hiểm nghèo:

Tình thế đã không diễn ra như ban lãnh đạo đảng cộng sản mong đợi. Họ muốn đại hội 11 diễn ra đúng thời điểm dự định một cách êm thấm. Ngay khi bước vào giai đoạn chuẩn bị họ đã dọn dẹp chiến trường: những người đối lập dân chủ trong nước bị bắt hàng loạt, bị giải tòa và bị xử những bản án nặng; những người khác bị khống chế. Sau đó là những đợt tấn công qui mô của Cục Kỹ Thuật Nghiệp Vụ (trước đây là Cục Công An Khoa Học) đánh vào tất cả các báo điện tử đối lập có ít nhiều ảnh hưởng, làm tất cả các websites đều bị tổn thất; nhiều websites bị thiệt hại nặng, trong một vài trường hợp bị đánh sập luôn. Đợt đàn áp dọn dẹp chiến trường này vẫn còn tiếp tục, đối tượng cuối cùng là bán nguyệt san Tổ Quốc mà một số cộng tác viên bị khám nhà, thẩm vấn và được lệnh phải ngừng hợp tác. Đảng Cộng Sản Việt Nam muốn kiểm soát hoàn toàn tình thế trước khi đại hội 11 khai mạc. Tuy nhiên điều mà họ không ngờ là họ đã không kiểm soát được chính nội bộ của họ và các biến cố dồn dập đã tới, tất cả đều rất nghiêm trọng cho sự sống còn của đảng Cộng sản.

Biến cố lớn và rõ nét nhất là sự kiện, ngày 19-6, lần đầu tiên, quốc hội biểu quyết bác bỏ một dự án quan trọng do chính phủ đệ trình: dự án Đường sắt Cao tốc. Đầu tháng 7 một vụ nổ lớn khác: Tập đoàn VINASHIN bị phát giác là trên thực tế đang ở trong tình trạng phá sản, mắc nợ 80 ngàn tỉ đồng và không có khả năng hoàn trả. Nếu chia đồng đều thì mỗi người Việt Nam mất một triệu đồng. Điều đáng nói là cho đến giữa tháng 6, nghĩa là chỉ hai tuần trước khi bị phát giác là ở trong tình trạng phá sản, VINASHIN vẫn được tung hô như là thành công kinh tế vĩ đại và niềm tự hào của đảng và nhà nước Cộng Sản Việt Nam. Và rồi đến vụ tai tiếng cực kỳ bỉ ổi trong đó các quan chức đảng và nhà nước tỉnh Hà Giang tổ chức mua dâm tập thể với các nữ sinh vị thành niên. Sắp tới chắc chắn sẽ còn nhiều vụ bê bối khác được phanh phui. Những vụ tai tiếng này đã tạo ra một trận mưa rào những bài báo phê phán và đả kích dưới mọi khía cạnh kỹ thuật, kinh tế và đạo đức. Báo chí Việt Nam hầu như được bóc lưỡi. Có cả những bài báo (tuy chưa được đăng trên báo trong nước nhưng được gửi ra nước ngoài một cách tự tin) đòi cách chức thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và truy tố ông Tô Huy Rứa, Ủy Viên Bộ Chính Trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Cả hai ông Dũng và Rứa đều là những nhân vật được coi là có triển vọng trở thành tổng bí thư đảng CSVN sau đại hội 11. Ba người có triển vọng trở thành tổng bí thư khác là Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Hồ Đức Việt.
Ông Lê Đức Thọ
Tất cả những bài báo này đều chính xác và đứng đắn. Nhưng hình như chúng đều không nhận diện được điều cốt lõi của các biến cố, dù đây là sự kiện chính trị đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử Việt Nam: sự sụp đổ của "triều đại Lê Đức Thọ". Tại sao? Đó là nếu nhìn kỹ, ta thấy chúng đều có tác dụng tai hại cho uy tín và chỗ đứng của ông Nguyễn Tấn Dũng, người vừa kế thừa triều đại này. Vào lúc này, sau những gì đã xảy ra, khả năng ông Dũng trở thành tổng bí thư gần như là con số không; khả năng ông sẽ phải ra đi một cách bẽ bàng sau đại hội 11, trái lại, gần như chắc chắn. Tình thế đã thay đổi rất nhanh chóng, bởi vì chỉ cách đây hơn hai tháng, đầu tháng 5/2010, một nhân vật rất thạo tin trong nội bộ đảng cộng sản còn quả quyết : "Nếu đại hội diễn ra ngay bây giờ thì khả năng ông Dũng đắc cử tổng bí thư là 99%". Hình như cũng cảm nhận được những nguy cơ cho ông Dũng, nhân vật này nói tiếp: "Nhưng còn 8 tháng nữa đại hội mới họp, tình hình có thể thay đổi từ đây đến đó". Tại sao một người đang có 99% hy vọng thắng lợi lại có thể thua sau tám tháng? Lý do nào, nếu không phải là vì chính nội bộ đảng CSVN đang rối loạn?

Nhưng trước hết, hãy nhắc lại vài nét về "triều đại Lê Đức Thọ". Ông Thọ nắm toàn quyền thực sự trong đảng CSVN từ đại hội 3 năm 1960 với sự đồng tình của tổng bí thư Lê Duẩn. Không ai có thể ngờ vực uy quyền tuyệt đối của ông Thọ, được gọi một cách kinh sợ là Sáu Búa. Theo hồi ký "Viết cho Mẹ và Quốc Hội" của ông Nguyễn Văn Trấn (xuất bản năm 1993), uy quyền của ông Thọ lớn đến nỗi ông có thể cấm cả ông Hồ Chí Minh phát biểu trong một hội nghị mà ông Hồ Chí Minh cũng đành chịu. Được ông Trấn hỏi về ông Lê Đức Thọ, ông Tôn Đức Thắng, chủ tịch nước, thú nhận một cách mộc mạc: "Đ.M., tao cũng sợ nó!". Theo nhiều nhân chứng, ông Thọ từng xác quyết nhiều lần: "Đảng là tao!". Ông Thọ không chính thức là nhân vật số 1 trong đảng; trong danh sách Bộ Chính Trị ông chỉ đứng hàng thứ năm, sau các ông Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng. Nhưng ông nắm bộ máy đảng và là nhân vật quyền lực nhất. Ông có thể bắt giam những cộng sự viên của các nhân vật này mà không ai dám chống lại. Ông cũng đích thân chỉ huy những công tác quan trọng nhất của chế độ khi cần: Giám sát Hội Nghị Paris và trực tiếp thương thuyết với Mỹ; Chỉ huy cuộc tổng tấn công dứt điểm Miền Nam năm 1975 với vai trò chính ủy. Lê Đức Thọ có thể thay đổi đường lối của đảng theo ý mính. Cho tới 1968 ông chủ trương thân Trung Quốc và tiêu diệt khuynh hướng thân Liên Xô trong đảng (mà ông buộc tội là "bọn xét lại chống đảng"); từ 1968 trở đi ông quay sang thân Liên Xô chống Trung Quốc. Rồi sau khi Gorbachev lên cầm quyền ông quay lại với Trung Quốc. Nói chung, Lê Đức Thọ muốn làm gì thì làm, muốn hướng đảng và chế độ CSVN theo hướng nào tùy ý. Ông có toàn quyền. Và chính quyền lực của Lê Đức Thọ đã giúp cho đảng CSVN thắng lợi mặc dù những sai lầm khủng khiếp: Cải cách ruộng đất; Phát động cuộc chiến với Miền Nam; Tổng công kích Tết Mậu Thân 1968; Chiến dịch mùa hè đỏ lửa 1972. Tất cả những sai lầm đó gây thiệt hại ghê gớm cho đảng và chế độ, đồng thời cũng là những thảm kịch đối với Việt Nam. Một đảng cầm quyền bình thường có thể sụp đổ chỉ vì một trong những sai lầm như thế, nhưng đảng CSVN vẫn trụ được và sau cùng giành được thắng lợi nhờ có Lê Đức Thọ.

Bí quyết thành công của Lê Đức Thọ là ông đã tạo ra một điều mà anh Nguyễn Gia Kiểng, trong nhiều bài viết, gọi là "một đảng cầm quyền trong đảng", một thứ ban trật tự trong đảng, khống chế đảng nhưng giữ được kỷ luật trong đảng và dùng đảng để khống chế phần còn lại của xã hội. Cũng phải nói là Lê Đức Thọ đã rất may – và đất nước Việt Nam đã rất không may – là trước mặt đảng cộng sản không có một chính đảng đúng nghĩa nào. Nếu Việt Nam Cộng Hòa có được một đảng cầm quyền đúng nghĩa thì lịch sử cận đại Việt Nam đã rất khác. Nhưng thực tế là Lê Đức Thọ đã cầm quyền trong suốt thời gian từ cuối thập niên 1950 trở đi cho đến khi ông chết. Ở một khía cạnh nào đó, quyền lực của ông còn kéo dài sau khi ông đã chết. Trước khi chết Lê Đức Thọ đưa Nguyễn Văn Linh ra làm tổng bí thư sau đại hội 6 (tháng 12-1986) để thực hiện những biện pháp đổi mới bắt buộc. Khi Nguyễn Văn Linh đã làm xong nhiệm vụ, ông trao quyền cho những người kế thừa mà ông đã chọn: Đỗ Mười và Lê Đức Anh.

Ông Lê Đức Anh
Ông Đỗ Mười

Cũng nhờ có đảng Lê Đức Thọ, lần này do hai ông Đỗ Mười và Lê Đức Anh cùng lãnh đạo, mà đảng CSVN đã trụ được sau những sai lầm khủng khiếp – chính sách hạ nhục tập thể và bỏ tù cả nước đối với miền Nam sau 1975, cuộc chiếm đóng Campuchia, chính sách đánh tư sản – và sau khi chủ nghĩa cộng sản và khối cộng sản sụp đổ. Liên minh Mười – Anh, mà nhiều người có ác cảm gọi là "đảng MA", vẫn còn cầm quyền cho tới nay. Hai ông thái thượng hoàng Đỗ Mười và Lê Đức Anh vẫn trị vì sau hậu trường; Nông Đức Mạnh chỉ là một con cờ. Cả hai ông Đỗ Mười và Lê Đức Anh đều là những người có bản lãnh nhưng thời cuộc đã biến chuyển quá nhanh chóng và mãnh liệt đối với họ. Sự phát triển dồn dập của các phương tiện giao thông và truyền thông hiện đại, phong trào toàn cầu hóa, sự sụp đổ của ý thức hệ Mác – Lênin và sự tăng cường hợp tác giữa các quốc gia, v.v., đều là những vấn đề vượt tầm hiểu biết của họ. Họ đã chỉ biết lúng túng chống đỡ và noi theo Bắc Kinh. Vì không làm chủ được tình huống mới, họ đã không tìm ra được những con người phù hợp để bàn giao quyền hành như ông Lê Đức Thọ đã bàn giao cho họ. Kết quả là cả hai đã ngoài 90 tuổi mà vẫn không có người kế thừa; cái "đảng cầm quyền trong đảng" dần dần mất thực chất đồng nhịp với sức khỏe mỗi ngày suy yếu thêm của hai ông. Trong tình huống đó, Nguyễn Tấn Dũng đã được chọn như một người kế thừa tự nhiên dù không phải là người kế thừa hợp lý. Vả lại đảng cộng sản cũng không có một nhân vật nào đủ tầm vóc để lãnh đạo đất nước trong bối cảnh mới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Nguyễn Tấn Dũng nghe Đỗ Mười chỉ đạo

Ông Dũng là con đỡ đầu – có dư luận còn cho rằng là con ruột không chính thức – của ông Lê Đức Anh và cũng được ông Đỗ Mười chấp nhận vì ông Mười không có người con nào khá cả. Trong tình trạng đã suy kiệt hoàn toàn cả thể xác lẫn trí tuệ, sau cùng họ dồn sự ủng hộ cho ông Dũng, mà họ đã nâng đỡ từ lâu bằng cách cho thăng tiến nhanh chóng từ một y tá không có một học lực nào lên đến thủ tướng, qua các chức vụ Bí thư huyện ủy, tỉnh ủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Thủ tướng, kể cả Thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước. Nhưng ông Dũng vừa thiếu bản lãnh lại vừa chỉ được vai trò kế thừa quá trễ, vào lúc "đảng cầm quyền trong đảng" của hai ông Mười – Anh đã rã rượi. Vì vậy ưu thế ban đầu của ông đã sút giảm nhanh chóng. Trong ít nhất hai năm qua hầu như tất cả mọi biến cố lớn đều bất lợi cho ông: Vụ bauxite Tây Nguyên trong đó ông xuất hiện như một con cờ của Trung Quốc; Đợt đàn áp thô bạo những người dân chủ do ông chủ xướng khiến ông mất cảm tình của thế giới và của những thành phần cởi mở trong đảng. Rồi vụ Đường Sắt Cao Tốc, các vụ Vinashin, than Quảng Ninh và dâm ô ở Hà Giang. Tất cả đều chứng tỏ sự hiểu biết rất hạn chế và sự bao che tham nhũng của ông. Càng bối rối ông Dũng lại càng phải mua chuộc sự ủng hộ của cấp lãnh đạo tham ô và càng dính líu hơn với họ. Phe đảng của ông vì thế ngày càng giống một phe đảng mafia. Cái bản tính vơ vét và chia chác ngoài vòng pháp luật này ông Dũng đã tiêm nhiễm ngay từ thời thơ ấu khi ông đi du kích lúc mới 11 tuổi, đặc biệt là trong giai doạn làm bí thư huyện ủy kiêm trưởng công an huyện Hà Tiên (1980-1986) và được trao một trách nhiệm rất quan trọng là chỉ huy hoạt động buôn lậu để làm kinh tài cho đảng tại cửa biển Hà Tiên. Gần đây, ông gây ngạc nhiên khi khoe rằng từ ngày lên làm thủ tướng ông chưa kỷ luật một ai cả, trái hẳn với lời tuyên bố đanh thép khi ông nhận chức thủ tướng là quyết tâm chống tham nhũng, nếu không chống được tham nhũng thì từ chức.

Đối thủ lợi hại nhất của ông Dũng trong cuộc tranh đua giành quyền lực là ông Trương Tấn Sang, cũng sinh năm 1949 như ông Dũng. Trương Tấn Sang là một nhân vật rất mưu lược, dù bê bối về mặt đạo đức. Ông Sang là đệ tử ruột và cánh tay mặt của ông Võ Văn Kiệt từ hồi ông Kiệt còn nắm toàn quyền trong miền Nam. Khi ông Kiệt làm Thủ tướng, ông thay ông Kiệt làm Bí thư Thành ủy Sài gòn, thực tế là nhân vật quyền lực nhất miền Nam, rồi được triệu ra Hà Nội giữ một chức vụ cực kỳ quan trọng: Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, và vào Bộ Chính Trị. Bản lĩnh của ông Sang là ở chỗ ngay cả khi ông Kiệt mâu thuẫn với hai ông Đỗ Mười và Lê Đức Anh rồi bị cô lập, ông vẫn giữ được quan hệ tốt với hai ông này và tiếp tục được nâng đỡ để leo dần tới chức vụ Thường trực Ban bí thư, nhân vật thứ hai trong đảng. Cho đến năm 2009 hình như hai ông Mười và Anh hãy còn một lưỡng lự nào đó giữa ông Dũng và ông Sang. Rất có thể họ muốn hai ông này liên kết với nhau như chính họ đã liên kết với nhau để giữ quyền lực. Chỉ từ 2009 trở đi, sự chọn lựa của họ mới lệch hẳn về ông Nguyễn Tấn Dũng.
Ông Trương Tấn Sang

Trong sự cạnh tranh với ông Dũng, theo một thông tin rất chính xác, ông Sang đã làm một sai lầm lớn là vụ Đảng Dân Chủ. Qua Nguyễn Sỹ Bình, ông muốn mượn tay Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, làm dụng cụ để đánh phá ông Dũng trong danh nghĩa đối lập dân chủ. Trần Huỳnh Duy Thức được trao những tài liệu để tố giác Nguyễn Tấn Dũng tham nhũng trên các blog của mình. Nhưng ông Sang đã dùng những người quá kém. Phe ông Dũng phát giác được và bắt cả bọn. Trước những chứng cớ không thể chối cãi, tất cả đã nhanh chóng nhận tội và xin khoan hồng. Trước đó họ tỏ ra mạnh bạo bao nhiêu vì cậy có ô dù của ông Sang thì sau đó họ khiếp nhược bấy nhiêu vì thấy ông Dũng đã thắng. Biên bản nhận tội của họ trong đó có sự liên hệ với phe Trương Tấn Sang được gửi lên Bộ Chính Trị, khiến ông Sang phải "nhận khuyết điểm là đã thiếu cảnh giác". Sau vụ này, vấn đề ông Sang làm Tổng bí thư hầu như không còn đặt ra nữa; ông Dũng chắc chắn sẽ là Tổng bí thư; vấn đề chỉ là ngoài chức tổng bí thư, ông sẽ kiêm nhiệm chức vụ chủ tịch nước hay thủ tướng. Nhưng như thế là quá chủ quan, coi thường mưu lược của ông Sang và vây cánh mà ông đã tạo ra trong hơn mười năm giữ vai trò ban phát ơn huệ trong chức vụ Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và Thường trực Ban bí thư. Ông Sang chuyển sang liên kết với các ông Nguyễn Phú Trọng và Hồ Đức Việt, và dần dần tranh thủ được khối đảng viên lo ngại bản tính anh chị và dung túng tham nhũng của ông Dũng.

Cũng phải nói rằng trước mặt các đảng viên trẻ và cởi mở, ông Dũng là người rất khó chấp nhận: ông không có kiến thức cũng chưa hề có một công trạng nào, nhưng lại rất quyết đoán và hống hách. Ông Dũng chỉ là một hoàng tử, con thái thượng hoàng Lê Đức Anh, cháu thái thượng hoàng Đỗ Mười. Không thể kể hết những sai lầm lố bịch của ông Dũng. Một vài thí dụ: vụ ông tung tiền ra mua 12 tỉ USD để "tránh cho đồng đô-la bị mất giá" làm lạm phát tăng vọt và nhân dân khốn đốn hồi cuối năm 2007; vụ bauxite Tây Nguyên; cao điểm là dự án Đường Sắt Cao Tốc.

Vụ Đường Sắt Cao Tốc tiêu biểu cho cách làm việc của ông Dũng; nó đồng thời cũng là thất bại thê thảm và công khai, đánh dấu sự sụp đổ của triều đại Lê Đức Thọ, kế thừa bởi hai ông Mười – Anh và dự định chuyển giao cho ông Nguyễn Tấn Dũng. Đây là một dự án rất lớn, kéo dài 25 năm, với tổng số chi phí dự trù gần 60 tỉ USD, nghĩa là hai phần ba tổng sản lượng quốc gia của Việt Nam, nhưng đã được đưa ra để yêu cầu quốc hội biểu quyết thông qua mà không hề có được một ước lượng nào về tính khả thi, tiến trình thi công, các hậu quả kinh tế, xã hội và môi trường. Tất cả chỉ tóm gọn trong một tài liệu 30 trang gồm toàn những biện luận chung chung và hấp tấp. Một quốc hội bình thường phải coi sự kiện chính phủ yêu cầu biểu quyết một dự án như vậy như một sự xúc phạm. Trái với những lần trước (ngay cả như vụ bauxite Tây Nguyên), dự án này chưa hề có ý kiến của bộ chính trị và ban bí thư. Đây là một sự kiện rất không bình thường trong chế độ cộng sản Việt Nam cũng như trong mọi chế độ cộng sản đã có từ trước tới nay. Theo qui luật của các chế độ cộng sản – mà đảng CSVN thực hiện một cách triệt để – thì bộ chính trị quyết định, ban bí thư thi hành thông qua chính phủ. Nói cách khác, chính phủ chỉ là dụng cụ của ban bí thư để thi hành những quyết định của bộ chính trị. Như vậy không thể có việc chính phủ đưa ra quốc hội – một cơ quan bù nhìn chỉ có vai trò đóng dấu chính thức hóa các quyết định của đảng – một dự án chưa được ban bí thư chấp nhận. Nhưng đó là điều đã xảy ra.

Cần nhấn mạnh rằng không phải chỉ trong các chế độ cộng sản mà ngay cả trong các chế độ dân chủ, thủ tướng hoặc tổng thống cũng chỉ đưa ra quốc hội biểu quyết những dự luật đã có đồng thuận trong đảng cầm quyền; vì thế chưa bao giờ có trường hợp chính phủ đưa ra quốc hội biểu quyết một dự án mà đảng cầm quyền chưa thông qua. Và ngược lại, khi một đại biểu quốc hội thuộc đảng cầm quyền biểu quyết chống lại một dự án do chính phủ của đảng mình đưa ra thì ông ta, hay bà ta, phải hoặc từ chức dân biểu hoặc bị khai trừ ngay lập tức. Mỹ là trường hợp đặc biệt duy nhất trong đó một dân biểu có thể biểu quyết trái với lập trường của đảng mình nhưng trên thực tế số lượng dân biểu xé rào này cũng chỉ là một vài người mà thôi, chứ không thể nửa chống nửa thuận như vụ biểu quyết Đường Sắt Cao Tốc vừa rồi. Việt Nam vừa chứng kiến một sự kiện chưa từng xảy ra trong lịch sử thế giới!

Nhưng tại sao ông Nguyễn Tấn Dũng lại đưa ra quốc hội biểu quyết một dự án mà ban lãnh đạo đảng chưa nhất trí? Chắc chắn không phải là vì ban lãnh đạo đảng muốn nhường quyền cho quốc hội. Dự án này quá quan trọng, vả lại họ chẳng coi quốc hội ra gì cả.

Cũng không thể là vì bộ chính trị không nhất trí được trên một dự án quá phức tạp đã nhường quyền trọng tài cho một cơ quan đông đảo hơn. Nếu quả như vậy thì họ đã chọn ban chấp hành trung ương, cơ quan quyền lực cao nhất trong đảng sau đại hội đảng, thay vì một định chế giả tạo như quốc hội, trong đó có nhiều người không hề có một thẩm quyền nào và cũng không có một trình độ nào; điển hình là chuyện ông "đại biểu" tỉnh Hà Nam lên diễn đàn quốc hội nói một cách ngớ ngẩn rằng có một liên hệ giữa chỉ số thông minh (IQ) và đường sắt cao tốc.

Vậy thì chỉ còn lại hai trường hợp. Một là ông Dũng sau khi bị thiểu số trong ban lãnh đạo đã bất chấp đảng đem ra cho quốc hội biểu quyết và bị phe chống đối phản công đánh bại. Nếu quả như vậy thì nội bộ đảng đã hỗn loạn lớn. Và hoặc ông Dũng phải bị kỷ luật, hoặc sự kiện này chứng tỏ là đảng cộng sản đã bất lực. Trước đây, năm 1990, ông Trần Xuân Bách, người được dự trù làm Tổng bí thư sau đại hội 7, đã bị kỷ luật, cách chức khỏi cả Bộ Chính Trị lẫn Ban bí thư lẫn Trung ương đảng chỉ vì một bài nói tán thành đa nguyên đa đảng.
Ông Trần Xuân Bách

Hai là (có nhiều khả năng hơn) ông Dũng đã có được một đa số tương đối trong ban lãnh đạo đảng, nhưng không đủ đa số để thông qua (thí dụ 30% thuận, 20% chống, 50% không có ý kiến), nên đã có thể đưa dự án ra quốc hội biểu quyết.

Diễn tiến cuộc biểu quyết cần được đặc biệt lưu ý. Mới đầu, ông Dũng đưa ra biểu quyết toàn bộ dự án và được 42% phiếu thuận, 38% phiếu chống; dự án không được thông qua. Sau đó, ông Dũng triệt thoái, xin biểu quyết một dự án B khiêm nhường hơn và dễ chấp nhận hơn: thực hiện một khúc đường sắt cao tốc hoặc từ Hà Nội tới Vinh hoặc từ Sài gòn tới Nha Trang để thử nghiệm sau đó sẽ tùy theo kết quả mà quyết định có nên thực hiện toàn bộ dự án hay không. Chắc chắn ông Dũng hy vọng rằng đây là một thỏa hiệp chấp nhận được. Nhưng kết quả đã ngược lại với sự chờ đợi của ông. Lần này số phiếu thuận chỉ là 38% trong khi phía chống tăng lên 42%. Phải hiểu rằng một số đại biểu quốc hội (trên 90% cũng là đảng viên cộng sản) tưởng rằng ông Dũng ở thế mạnh nên đã bỏ phiếu thuận ở vòng đầu, nhưng sau đó thấy ông không có ưu thế nên đã quay lưng lại với ông. Đó là dấu hiệu rõ nét về sự rã hàng của "đảng Lê Đức Thọ" mà ông là người kế thừa cuối cùng. Thất bại này đã mở cửa cho những đợt tấn công khác: vụ VINASHIN; vụ mua dâm thiếu nhi tại Hà Giang; vụ Than Quảng Ninh. Uy tín của ông Dũng lúc này hầu như không còn gì.

Cũng nên nhìn lại phe đảng của ông Dũng. Trong cương vị Thủ tướng, ông đã dung túng tham nhũng và chia chác quyền lợi cho nhiều người để có vây cánh. Cuối cùng phe phái của ông chủ yếu là giai cấp tư sản đỏ. Hai ông Đỗ Mười và Lê Đức Anh chắc cũng phải chua xót trước sự biến chất này của "đảng cầm quyền trong đảng" mà họ ít nhiều vẫn còn là những người đứng đầu. Hai ông, dù kiến thức không đủ để thích nghi với bối cảnh mới, cũng là những người có khí phách.

Đến đây, cũng nên tự hỏi tại sao ông Dũng lại liều lĩnh đem biểu quyết một dự án phiêu lưu như vậy? Lý do có thể là vì số tiền khổng lồ, gần một tỉ rưỡi USD, dành cho việc nghiên cứu. Các chuyên viên về Đường Sắt Cao Tốc đều cho rằng chi phí nghiên cứu này quá cao cho một dự án chỉ dùng những kỹ thuật sẵn có. Và vì là chi phí nghiên cứu, khoản này có thể được sử dụng và chia chác ngay. Lý do cơ bản, như vậy, là tham nhũng. Ông Dũng đã trở thành con tin của giai cấp tư sản đỏ. Điều này dễ hiểu; trong một xã hội mà cái gì cũng mua được thì kẻ có tiền cũng là kẻ có thực quyền. "Đảng cầm quyền trong đảng" mà ông Lê Đức Thọ xây dựng ra đang tan rã, và tan rã trong sự bê bối.
*

Kết quả cuộc tranh giành quyền lực trong đảng cộng sản trước thềm đại hội 11 sẽ như thế nào?

Trước hết, trong những ứng cử viên vào chức tổng bí thư có thể loại bỏ ông Tô Huy Rứa. Ông Rứa chưa bao giờ là một ứng cử viên nặng ký. Ban tuyên giáo của ông cũng chẳng tuyên truyền và giáo dục được gì, nó chỉ có vai trò một ban kiểm duyệt báo chí. Vụ mua dâm trẻ em ở Hà Giang coi như đã đánh một dấu chấm hết vào khả năng trở thành tổng bí thư của ông.

Trừ một đảo ngược tình thế khó tưởng tượng, ông Nguyễn Tấn Dũng coi như tuyệt vọng. Uy tín của ông đã xuống thấp và còn tiếp tục xuống. Nếu giả thử hai ông Đỗ Mười và Lê Đức Anh dốc toàn bộ uy tín để ủng hộ ông đồng thời giới tư sản đỏ cũng dốc hết tài lực để hỗ trợ, giúp ông đạt được chức tổng bí thư thì đó sẽ là một thảm họa cho cả đảng và đất nước. Ông Dũng hoàn toàn không phải là mẫu người mà đất nước chấp nhận được. Ông không học hành gì, đi du kích từ lúc 11 tuổi vào lúc đảng cộng sản còn là một đảng khủng bố, nhất là tại các tỉnh Cà Mau, Rạch Giá, cái nôi chính trị của ông, nơi hoạt động của lực lượng cộng sản chủ yếu là ám sát, bắt cóc, thủ tiêu, đặt mìn. Ông lớn lên và được đào tạo ngoài vòng pháp luật, và được thăng thưởng nhanh chóng cũng nhờ hoạt động buôn lậu qui mô tại cửa biển Hà Tiên khi ông là trưởng công an và bí thư huyện ủy Hà Tiên. Bản thân ông là một người rất tham nhũng và đang là đại diện của giai cấp tư sản đỏ. Đó là một mẫu người cần phải loại khỏi sinh hoạt chính trị. Tuy vậy phe đảng của ông còn khá mạnh.

Ba ông Trương Tấn Sang, Nguyễn Phú Trọng và Hồ Đức Việt rất có thể sẽ liên kết với nhau chống ông Dũng để giành thắng lợi trong đại hội 11 và chia quyền. Họ có thể ít nhiều được sự yểm trợ của ông Nguyễn Minh Triết vốn cũng không ưa ông Dũng. Họ cũng có thể liên kết với những người có thế lực như ông Phùng Quang Thanh, ông Phạm Quang Nghị.

Nhưng một liên minh như vậy không phải là giải đáp cho đảng cộng sản, và cũng không phải là giải đáp cho đất nước. Ông Trương Tấn Sang rất mưu lược, nhưng bê bối về mặt đạo đức. Cái khôn của ông chủ yếu là cái khôn luồn lách chứ không phải là cái khôn để lãnh đạo một đất nước. Ông cũng không chứng tỏ một viễn kiến nào, ngoại trừ cóp nhặt mô hình Trung Quốc. Nên biết ông Trương Tấn Sang là cấp lãnh đạo cộng sản đầu tiên cổ võ cho công thức "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" của Trung Quốc. Ngay từ năm 1980, ông đã viết một loạt bài trên báo Sài Gòn Giải Phóng ca tụng mô hình này mà ông gọi là "chủ nghĩa tư bản nhà nước".

Ông Nguyễn Phú Trọng
Ông Hồ Đức Việt
Ông Tô Huy Rứa

Ông Nguyễn Phú Trọng, trái với một dư luận dai dẳng đánh giá ông là một người tối dạ, là một người có tài tổng hợp và thỏa hiệp. Một cấp lãnh đạo cũ của ông thuật lại rằng thời gian còn làm thư ký trong bộ chính trị ông có thể lập biên bản những buổi họp trong đó các ủy viên nói dài dòng chẳng ra đầu đuôi gì cả một cách khéo léo khiến mọi người đều thỏa mãn vì thấy có ý kiến của mình. Nhưng sự hiểu biết của ông quá hạn chế, ông chỉ biết có một chủ nghĩa Mác – Lênin, một chủ nghĩa sai. Nếu có quyền lực, ông sẽ sử dụng quyền lực để duy trì ý thức hệ sai đó. Ông hoàn toàn không phải là con người của đổi mới.

Còn ông Hồ Đức Việt? Ông là người của bộ máy đảng, chưa hề giữ một chức vụ nào trong chính phủ, ít ai biết tới ông. Nếu cầm quyền, ông sẽ là người lo cho đảng, đặt quyền lợi của đảng trên quyền lợi của đất nước và sẽ cố duy trì độc quyền lãnh đạo của một đảng tham nhũng và thoái hóa. Vả lại ông không phải là người có viễn kiến. Cho tới nay ông chưa hề phát biểu một ý kiến quan trọng nào cả. Một người đã ngoài 60 mà vẫn chưa đưa ra được một ý kiến gì thì phải hiểu là một người không có ý kiến. Ông không phải là mẫu người lãnh đạo quốc gia trong một thế giới đang trải qua một cuộc cách mạng trí thức, trong đó ý kiến và sáng kiến là những yếu tố quyết định chỗ đứng và sự vinh nhục của các dân tộc.

Một giải pháp khác được nghĩ tới là ông Phùng Quang Thanh; trọng lượng của ông sẽ tăng lên nếu chính sách bành trướng bá quyền của Trung Quốc được nhìn như là mối nguy lớn nhất. Tuy vậy, ông Phùng Quang Thanh cũng không phải là người có viễn kiến, như ông Hồ Đức Việt và có thể còn kém cả ông Việt. Một mối nguy khác: nếu ông Phùng Quang Thanh cầm quyền là ông sẽ phải dựa vào quân đội và do đó sẽ phải duy trì, không chừng còn tăng cường, một tình trạng phải chấm dứt: đó là để quân đội kinh doanh. Hiện nay quân đội không chuyên lo bảo vệ đất nước mà còn làm kinh tế. Tình trạng này phải chấm dứt vì một quân đội kinh doanh chỉ có thể kinh doanh dở trong khi mất khả năng chiến đấu.
Đại tướng Phùng Quang Thanh

Nhưng dù ai hay liên minh nào nắm được bộ máy đảng, thì cũng chỉ nắm được phần trên và bề ngoài chứ không còn thực sự kiểm soát và điều động được đảng nữa. Tại sao? Đó là vì một chính đảng chỉ có thể đoàn kết được nội bộ nếu có được đồng thuận trong một lý tưởng chung và một dự án chính trị đứng đắn. Đảng cộng sản chỉ còn một lý tưởng chính thức giả tạo là chủ nghĩa Mác – Lênin, một chủ nghĩa không còn ai, kể cả tổng bí thư đảng cộng sản, tin là đúng. Sự phân hóa và chia rẽ là chắc chắn. Trên thực tế, đảng cộng sản đã biến chất thành một giai cấp bóc lột. Nó đã mất đồng thuận và sức sống. Để có thể tồn tại, đảng cộng sản cần một lãnh tụ đủ tài đức và bản lãnh để đoàn kết mọi người và áp đặt những thay đổi bắt buộc, nhưng thực tế là nó không có được một con người như thế. Ban lãnh đạo xuất phát từ đại hội 11 sẽ chỉ gồm những con người sàn sàn như nhau, tất cả đều không có thành tích gì dù trong thời chiến hay trong thời bình, ở những mức độ khác nhau tất cả đều tham nhũng và đều chỉ có một trình độ hiểu biết thấp hơn một số đông đảo đảng viên trẻ. Những cấp lãnh đạo như thế vừa không thể gắn bó với nhau vừa chắc chắn bị đa số đảng viên phản đối. Tai họa không đến từ bên ngoài mà từ chính nội bộ đảng.

Trong thế dùng dằng bế tắc này, đại hội 11 sẽ chỉ là một đại hội dậm chân tại chỗ, nhàm chán, nhắc lại những điều cũ rích và nhạt nhẽo mà không ai, kể cả người nói, muốn nghe. Mối nguy lớn nhất và chắc chắn sẽ đến, đối với đảng cộng sản là sẽ không có thay đổi định hướng nào cả.

Nhưng muốn dậm chân tại chỗ cũng không được. Thế giới đang thay đổi nhanh chóng, nhất là cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài hai năm nay và vẫn chưa chấm dứt đang đòi hỏi mỗi quốc gia khẩn cấp xét lại hầu như mọi chính sách. Như thế, ban lãnh đạo mới của đảng cộng sản sau đại hội 11, dù gồm những ai, cũng sẽ bắt buộc phải làm ngược lại những nghị quyết của đại hội vì một lý do giản dị là đó chỉ là những nghị quyết lỗi thời và rỗng nghĩa, khi không nghịch lý. Sẽ có tranh cãi và xung đột lớn trong khi không ai thực sự kiểm soát được đảng cả.

Trong bối cảnh phân hóa đó, yếu tố từ trước đến nay vẫn giúp cho đảng cộng sản duy trì được kỷ luật, và tồn tại, là "đảng cầm quyền trong đảng" mà ông Lê Đức Thọ tạo dựng ra lại tan rã.

Đảng cộng sản sẽ không thể tồn tại như hiện nay sau đại hội 11. Sự suy sụp, thậm chí tan rã, là chắc chắn. Một đảng cầm quyền chỉ có thể áp đặt được chuyên chính trong xã hội nếu trước đó nó áp đặt được chuyên chính trong nội bộ. Đảng cộng sản không độc tài được trong nội bộ nên sẽ không thể duy trì chế độ độc tài. Chế độ độc tài sẽ cáo chung, có mọi triển vọng trước khi khóa 11 của ban chấp hành trung ương chấm dứt, nghĩa là trước năm 2016.

Tất cả vấn đề là sự cáo chung của chế độ độc tài sẽ nhường chỗ cho cái gì? Một chế độ dân chủ pháp trị lành mạnh, thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc và bắt đầu ngay cuộc chạy đua rút ngắn sự tụt hậu đã quá bi đát của nước ta so với thế giới, hay một tình trạng hỗn loạn?

Đó cũng là câu hỏi: liệu những người dân chủ trong và ngoài nước, trong và ngoài bộ máy đảng và nhà nước cộng sản, có đủ sáng suốt và khôn ngoan để hình thành với nhau một kết hợp dân chủ mới đủ mạnh để đưa đất nước vào một kỷ nguyên mới hay không?

Nghiêm Văn Thạch

(Bài viết được đúc kết từ những thông tin và thảo luận)
© Thông Luận 2010



NÔNG ĐỨC MẠNH: ÔNG LÀ AI ?


NÔNG ĐỨC MẠNH: ÔNG LÀ AI ?


“… Mặc dù nhiều khuyết điểm, hạn chế có từ các khóa trước, nhưng với trách nhiệm chính trị của cơ quan lãnh đạo hiện nay,  Bộ Chính trị và từng Uỷ viên Bộ Chính trị tự nhận thấy sâu sắc trách nhiệm chính trị của mình trước những khuyết điểm, hạn chế đó…” 
(TBT Nguyễn Phú Trọng).

Hình ảnh
Tân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận hoa chúc mừng
 của người tiền nhiệm Nông Đức Mạnh. Ảnh: AFP
(Hưởng ứng lời yêu cầu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Nhân dân cần phát huy dân chủ, nói thẳng nói thật để xây dựng Đảng)

Cứ tưởng sẽ không bao giờ phải nhìn một khuôn mặt phương phi cười cợt, như cố khoe hai hàm răng chắc khỏe dưới cái đầu láng mướt, cái cằm bạnh trên cái cổ áo thắt cà vạt đỏ chót.
Nhưng hôm kia tôi lại phải nhìn khuôn mặt ấy đi dự khánh thành nhà máy thủy điện Sơn La. Đấy là khuôn mặt “nhà cách mạng lão” Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam.          

   Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam trải  hơn 82 năm có 9 người đã và đang làm Tổng bí thư.

               Ông Trần Phú chỉ làm TBT 314 ngày, nhưng đã  để lại bản “Luận cương chính trị” và lời nói bất hủ “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!”.

              Ông Nguyễn Văn Cừ làm TBT gần hai năm, đã vạch ra quyết sách đúng đắn chống tả khuynh, đề phòng hữu khuynh, và mới 28 tuổi để lại tác phẩm “Tự chỉ trích” đáng nhớ.

               Ông Trường Chinh hai lần làm TBT, lần trước vạch đường lối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trong tác phẩm “Kháng chiến nhất định thắng lợi”, lần thứ hai đặt nền móng cho công cuộc đổi mới.

               Ông Lê Duẩn làm TBT 16 năm 101 ngày, là cha đẻ của “Đề cương cách mạng miền Nam”, cũng là người cảnh báo kẻ thù lâu dài và nguy hiểm của Việt Nam là bá quyền Trung Quốc.

              Ông Nguyễn Văn Linh làm TBT một nhiệm kỳ 5 năm, đã có một vai trò sáng giá trong cuộc phá bỏ nền kinh tế kế hoạch quan liêu bao cấp, mở đầu kinh tế thị trường, có “Những việc cần làm ngay” tháo gỡ kho khăn, cởi trói trí thức.

              Ông Đỗ Mười làm TBT từ 1991- 1997,  một  quyền uy đủ sức răn  đe.

              Ông Lê Khả Phiêu làm TBT gần ba năm, làm được việc những người tiền nhiệm không muốn và không dám làm: dẹp bỏ một siêu cơ quan quyền lực là Ban cố vấn trung ương đảng, bớt đi một tầng nấc lãnh đạo quan liêu; ra được NQTW 6(2) chống tiêu cực, tham nhũng.
             
Bảy đời Tổng bí thư, bảy con người kể trên chưa ai hoàn hảo về tài năng, đức  độ và nhân cách, nhưng mỗi người đều ghi một dấu ấn trong một giai đoạn  lịch sử  nhất định, đề lại một chân dung đậm nét với tư cách  người “công dân số 1” của Việt Nam.

Ông Nông Đức Mạnh làm Tổng bí thư hai nhiệm kỳ 9 và 10, với thời gian 9 năm 272 ngày, đứng thứ 3 về thời gian sau Lê Duẩn, Trường Chinh. Ngày 12-1-2011 ông  đọc bài diễn văn cuối cùng, rồi 8 ngày sau đó ra về ,để lại một câu hỏi chưa có lời giải đáp: “Nông Đức Mạnh, ông là ai?”.
           
Ai cũng biết Nông Đức Mạnh không trải qua tù đày, chinh chiến, không phải trăn trở lo toan từ hạt gạo, hạt muối, manh áo, manh quần đến viên đạn cho người lính ngoài mặt trận, không phải nhọc lòng cúi mặt  ngửa tay xin từng đồng viện trợ của nước ngoài. Trong khi đó ông từ cửa rừng vọt thẳng lên quan lộ, lên Chủ tịch Quốc hội, rồi Tổng bí thư, giữa thời điểm nhiều thuận lợi, kinh tế Việt Nam đang kỳ sung mãn, chính thức bước vào sự nghiệp đổi mới toàn diện. Điều không may cho dân nước là sự mất cơ vận khi bước vào sự nghiệp đổi mới lại có một Tổng Bí thư không phát huy được vai trò đảng lãnh đạo, buông lỏng công tác Đảng, không tiếp nối được kinh nghiệm và thành của của các TBT tiền nhiệm. Ông nói nhiều  mà làm ít hoặc nói mà không làm. Đi đến đâu phát biểu của ông chủ yếu vẫn là nhắc lại nghị quyết và hô khẩu hiệu; thêm sự kém tâm, thấp tầm, lại bảo thủ và nhiều điểm yếu khác.
           
Khi Nông Đức Mạnh làm chủ tịch Quốc hội, ông khá đĩnh đạc trong những phiên họp Đại biểu quốc hội, đặc biệt là điều hành  những phiên chất vấn ở nghị trường. Bấy giờ nhiều người ca ngợi ông và loan truyền những tin đồn như  huyền thoại, có người không giấu giếm rằng đây chính là một  gương mặt kế thừa!? Chính vì thế  một nhà báo nước ngoài đã hỏi thẳng Nông Đức Mạnh: “Có phải ông là con Hồ Chí Minh?”.  Nông Đức Mạnh trả lời: “Ở Việt Nam ai cũng là con cháu Bác Hồ!”.  Cái cách trả lời nước đôi có ý “bắt quàng” như vậy càng đẩy sự đồn đại đa chiều, phức tạp thêm. Thà nói thẳng ra bố tôi là Nông X cũng được! Và, có lẽ đấy cũng là một yếu tổ để ông thong dong bước lên vị trí số một của Đảng cộng sản Việt Nam.
               
Từ khi làm Tổng bí thư, Nông Đức Mạnh đã đánh mất niềm tin mọi người dành cho ông.
              
Suốt hai nhiệm kỳ ông không  chủ động đưa ra được một chiến lược, sách lược kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, và không có một tác phẩm lý luận đúng tầm  mà với cương vị Tổng bí thư phải có. Ngược lại, chẳng những ông không sáng tạo mà không học thuộc bài của những người tiền nhiệm, cả về lý luận và thực tiễn.
              
Ông như một cái bóng mờ nhạt, có người gọi là “bù nhìn”, mọi việc khoán trắng cho Nhà nước, Chính phủ, còn ông đi thăm thú, điệu hạnh khắp nơi, chỗ nào cũng thuộc lòng để phát lên câu nói của Bác Hồ: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công đại thành công”. Câu nói đó từ trẻ học sinh lớp 1 đến ông già ai chẳng thuộc. Nhưng đoàn kết với ai, đoàn kết thế nào, làm gì để thành công? Thì Nông Đức Mạnh không đưa ra được kế sách, quyết đoán nào thể hiện rõ vai trò lãnh đạo của một đảng cầm quyền, thực thi dân chủ phát huy sức mạnh tòn dân tộc thế nào cũng mờ nhạt nhất so với 7 vị TBT tiền bối…Ngươi fta nói, suốt hai nhiệm kỳ Nông Đức Mạnh làm TBT, Chính phủ như phủ chúa Trịnh, còn Đảng như cung vua thời Lê mạt !


Vợ chồng nguyên TBT Nông Đức Mạnh - ĐB QH Đỗ Thị Huyền Tâm     

Tôi đã  sưu tầm sách báo cố tìm ra một nét riêng cựu TBT Nông Đức Mạnh, một lời nói thể hiện cái tâm cái tầm, một hành động thể hiện bản lĩnh để có thể tự hào về ông,  nhưng thất vọng. Đọc những  bài diễn văn, những lời phát biểu và ngay cả những bài báo ký tên ông  toàn thấy hình thức sáo rỗng, trùng lắp.
              
Nông Đức Mạnh  cứ nhắc đi nhắc lại phải học tập và làm theo Hồ Chủ tịch, nhưng hình như bản thân ông lại không thực hiện được những lời dạy của Hồ Chủ tịch.
            
Trong hai nhiệm kỳ của ông  để lại một “dấu ấn” rõ nhất là sự xuống cấp về đạo đức  của cán bộ lãnh đạo. Ông đã làm biến đổi chất lượng của một đảng cấm quyền. Việc mua quan bán chức, chạy quy hoạch cán bộ không còn là hiện tượng cá biệt mà trở thành phổ biến. Việc ban phát quyền lực theo kiểu “nhất thân nhì thế tam chế tứ tiền” trở thành cẩm nang hành động. Tiêu cực, tham nhũng nảy sinh và phát triển ngay ở thượng tầng kiến trúc và tạo thành một hệ thống che đậy cho nhau từ trên xuống dưới từ trong ra ngoài. Ai giới thiệu, ai nâng đỡ  những Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Việt Tiến, những “con sâu” PMU 18? Chính là TBT Nông Đức Mạnh vào thời điểm xảy ra vụ việc đó. Ai tạo ra cái tiền lệ  con nối ngôi cha? Đó chính là TBT Nông Đức Mạnh. Ộng ta tìm mọi cách đưa Nông Quốc Tuấn, một người con chỉ có cái vốn kiến thức mấy năm đi hợp tác lao đông ở nước ngoài  vào Ban Thường vụ Trung ương đoàn, từ đó nhảy vùn vụt lên các nấc thang quyền lực. Phải nói thẳng, cái gọi là “một bộ phận không nhỏ, suy thoái về chính trị, tha hóa về đạo đức lối sống” mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói, đã được hình thành và dung dưỡng suốt mười năm với hai nhiệm kỳ Tổng bí thư của ông Nông Đức Mạnh. Khi ông nhậm chức TBT, nghị quyết TW 6(2) đang triển khai rất hiệu quả, ông để chểnh mảng cho teo dần rồi coi như vứt sọt rác, Do đó, tham nhũng tiêu cực được “cơ” phát triển đến mức nghiêm trọng, buộc TBT Nguyễn Phú Trọng phải cấp thiết cho ra NQTW 4 khóa XI.
            
Từ tháng 10 – 2010, Trung tướng Nguyễn Hòa, nguyên Ủy viên Trung ương đảng khóa V-VI-VII đã viết đơn tố cáo những sai lầm và  suy thoái đạo đức của ông Nông Đức Mạnh, trong đó có đoạn: “Là người nắm chức vụ cao nhất trong đảng, nhưng đồng chí Nông Đức Mạnh đưa con của đồng chí không đủ tâm đủ tầm làm Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên, và có ý định đưa làm Bí thư Thứ nhất Trung ương đoàn, vừa mưu cầu danh vọng vừa dụng ý gây dựng lực lượng của mình lâu dài”.
              
Không chỉ riêng Trung tướng Nguyễn Hòa, mà cả Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều người lên tiếng, tố cáo ông vụ “Sáu Sứ”, “Năm Cam”… nhưng tất cả đều chìm vào im lặng. Nông Đức Mạnh đã lấy quyền Tổng bí thư ém nhẹm đi.
               
Những người bị tố cáo chẳng những không bị điều tra, xử lý một cách nghiêm túc, dân chủ, công khai như điều lệ đảng mà trái lại, đươc trọng dụng. Vì dụ như  Nông Quốc Tuấn được làm Bí thư Tỉnh ủy trước thềm đại hội XI của đảng, rồi giành một suất cơ cấu Ủy viên Trung ương đảng,  mà dư luận cho rằng đó là sự mặc cả của Nông Đức Mạnh.
               
Người ngoài nói rất nhiều về sai trái, lỗi lầm của Nông Đức Mạnh đối với dân với nước, con ông lại “vạch áo cho người xem lưng” về nhân cách của một người cha, sự lừa đảo của bà dì là Đại biểu Quốc hội. Đọc lá thư của con gái ông gửi báo ‘Người cao tuổi’,  tôi thấy xấu hổ thay cho ông.
               
Tất cả những điều tôi viết trên đây có lẽ góp được một phần nhỏ để trả lời câu hỏi: Nông Đức Mạnh – ông là ai? Cái lớn hơn, chính tôi cũng đang tìm câu trả lời là: Phải chăng Nông Đức Mạnh là người đã có công tạo những thuận lợi cho Trung Quốc nhảy vào tận ngã ba biên giới Đông Dương chiếm vị trí “thượng phong” về quân sự cả vùng để…khai thác Bauxte Tây Nguyên? Cả những khu rừng rộng lớn ở Lạng Sơn cho Trung Quốc thuê 50 năm chẳng lẽ không phải “anh thợ rừng, đội phó đội khai thác gỗ  họ Nông” cho phép? Nhưng, từ 1991 váo Bộ Chính trị đến ngày 19-1-2011, suốt 20 năm hai khóa Chủ tịch Quốc hội, hai nhiệm kỳ Tổng bí thư, ông đã làm được những gì có giá trị và để lại dấu ấn cho dân cho nước. Nhất là việc buông lỏng vai trò lãnh đạo, làm mất sức chiến đầu và hạ uy tín Đảng nhanh như vậy, để rồi đến Đại hội XI phải chỉnh đốn, phải giải quyết hậu họa do hai khóa IX và X để lại, lo gạn đục khơi trong không xong, với vai trò người đứng đầu, do ông hay do ai? Câu hỏi đó ông Mạnh phải trả lời, ông không trả lời thì lịch sử sẽ trả lời thay ông.
                
Nhân dân khắp các vùng miền đều biết “công lao” của Tổng bí thư đời thứ 8 Nông Đức Mạnh là 10 năm đứng đầu vị trí lãnh đạo đảng cầm quyền đã kéo thụt lùi sự phát triển của đất nước cả trăm năm. Đến mức phát biểu bế mạc tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Mặc dù nhiều khuyết điểm, hạn chế có từ các khoá trước, nhưng với trách nhiệm chính trị của cơ quan lãnh đạo hiện nay, Bộ Chính trị và từng Uỷ viên Bộ Chính trị tự nhận thấy sâu sắc trách nhiệm chính trị của mình trước những khuyết điểm, hạn chế đó”.
               
Một điều người viết bài này cần phải rạch ròi với Nông Đức Mạnh: Khi trả lời phỏng vấn báo nước ngoài, ông nói:  “Ở Việt Nam ai cũng là con cháu Bác Hồ”, là một cách nói nước đôi, lấp lửng, không minh bạch và thiếu trung thực để ai hiểu thế nào thì hiểu, may có chút dính dáng trong dư luận nhằm phần nào đó giải quyết khâu oai chăng? Chẳng lẽ ông không biết cái cách trả lời lấp lửng thiếu trách nhiệm như thế với nhà báo nước ngoài vùa bất hiếu với ông bà, cha mẹ lại phạm thượng, công khai hạ uy tín Hồ Chủ tịch? Nhưng ông nói thế là không đúng. Tôi là một người Việt Nam, tôi khẳng định với ông rằng, tôi không phải là con cháu Bác Hồ. Tôi có ông bà cha mẹ đàng hoàng, sống trên mảnh đất Việt Nam,  khi chết tôi theo ông bà cha mẹ tôi. Đó là sự thật.
           
Khổng Tử nói “Tu thân-tề gia – trị quốc – bình thiên hạ”, Nông Đức Mạnh đến già chưa tu nổi cái thân mà giao cho ông ta những 20 năm trọng trách “trị quốc, bình thiên hạ” thì thật là sai lầm.

Minh Diện
26/12/2012

(Blog Bùi Văn Bồng)

Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

TƯ DUY CỦA ÔNG TRANH MÀU GÌ?


TƯ DUY CỦA ÔNG TRANH MÀU GÌ?


* MINH DIỆN
           BVB Tôi cố tìm trên khuôn mặt tròn đầy như  trái mù u chín mọng một nét riêng, biểu lộ tinh hoa phát tiết hơn người, nhưng bất lực. Khuôn mặt ấy không có gì nổi trội, thậm chí còn kém khôi ngô hơn nhiều khuôn mặt mặt khác. Vậy mà không hiểu bằng cách nào ông có tấm bằng cử nhân?
            Đọc tóm tắt tiểu sử Tổng thanh tra Chinh phủ Huỳnh Phong Tranh, ai cũng phải  ngạc nhiên vì điều đó. Bản tóm  tắt tiểu sử ấy ghi: “Sinh ngày 12-1-1955/ Quê  quán Hậu Giang / Học vị cử nhân…”
               Kế đó thống kê quá trình công tác của ông, từ tháng 1 năm 1973, làm  cán bộ văn phòng Ủy ban nhân dân cách mạng huyện Long Mỹ, Hậu Giang  cho tới khi được bổ nhiệm làm Tổng thanh tra Chính phủ. Đúng 40 năm, đảm nhiệm 13 chức,  từ thấp đến cao, sít sao, liên tục, không ngưng nghỉ ngày nào. Thử hỏi ông lấy thời gian đâu để học, để thi lấy tấm bằng cử nhân, dù chỉ là tại chức cho chiếu lệ!
            Nếu công bằng, và với tài phân biệt màu sắc của mình, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, phải để mắt tới những cái bằng tiến sỹ, thạc sỹ, cử nhân của đồng nghiệp và của chính mình, xem nó màu gỉ, và tệ nạn tham nhũng tới cỡ nào, thì ông lại chụp lên đầu những người dân đi khiếu nại, khiếu kiện về đất đai và tố cáo tham nhũng  cái gọi là  “màu sắc chính trị!”.
Nhưng thôi, chuyện đó dẹp qua một bên, bỏi bằng cấp thời nay là gì thì ai cũng biết cả rồi. Cái đáng nói nhất là quan điểm, trình độ, phương pháp xem xét và khả năng thực hiện chức danh, chức trách xứng với vị trí, tầm cỡ của mình.
            Nhớ lại gần hai năm trước, khi mới nhận trọng trách Tổng thanh tra Chính phủ, Huỳnh Phong Tranh bày tỏ quan điểm của mình: “Công tác thanh tra là bạn của dưới, tai mắt của trên. Nếu làm tốt công việc, chúng tôi có thể giúp cho công tác điều hành của Chính phủ và giúp cho sự lãnh đạo của Đảng ngày càng sát thực tế hơn. Tôi cũng sẽ cố gắng là nếu có cám dỗ sẽ tránh, đồng thời giáo dục lực lượng công chức trong bộ máy của mình trung thành, trung thực và trong sạch để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn. Tôi sẽ phát huy trách nhiệm, truyền thống của người tiền nhiệm. Đây cũng là nền tảng để tôi phấn đấu hơn nữa. Việc công khai thông tin với báo chí, tôi cũng sẽ thực hiện”.
           Ông Huỳnh Phong Tranh còn nhấn mạnh: “Quan trọng nhất là tăng cường đối thoại, giải quyết tại cơ sở theo thẩm quyền!”.
            Quả thật chưa thấy vị Tổng thanh tra Chính phủ tiền nhiệm nào bày tỏ được quan điểm mạch lạc như ông Tranh. Đặc biệt nhất là quan điểm “bạn của dưới” (câu này ít ai nói, vì nó tối nghĩa về diễn đạt). Dưới ở đây tức là dân (hay ông chỉ giới hạn ‘bạn của dưới’ tức là Thanh tra Chính phủ với cấp bộ, ngành, tỉnh thành, địa phương, không hề có dân trong đó?). Đối tượng của  thanh tra, ở chế độ nào cũng vậy, là các cơ quan quyền lực, các tổ chức kinh tế, xã hội, còn tai mắt của  thanh tra là dân.  Quan điểm của ông Huỳnh Phong Tranh vừa biện chứng, vừa giàu tính nhân văn, lấy dân làm gốc!
              Nhưng đó là lời nói. Còn việc làm thì sao?
              Hơn hai năm qua, hình như Huỳnh Phong Tranh  chưa kết bạn được với “người dưới” nào, chưa tiếp dân buổi nào, và chưa đối thoại với dân lời nào,  nhưng, ngày 18-4-2013 vừa qua, trong cuộc họp bàn về nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại khiếu tố, ông tuyên bố: “Đối với các đoàn đông người, quá khích, đặc biệt là những đoàn mang màu sắc chính trị...Thanh tra chính phủ yêu cầu phải tiến hành cưỡng chế!”.
                Khái niệm màu sắc vốn cụ thể, để phân biệt màu của vật chất dưới tác động của ánh sáng. Cái gọi là “màu sắc” mà ông Huỳnh Phong Tranh dùng, nó vượt ra khỏi phạm trù đó, mang ý nghĩa trìu tượng, vô hình, vô ảnh,nhưng lại đậm đặc tính cực đoan.
               Ai cũng biết tình hình khiếu kiện, tố cáo những năm vừa qua rất căng thẳng, và hơn 70%  các vụ khiếu kiện, tố cáo liên quan đến vấn đề  cấp đất,thu hồi đất,và  đền bù giải phóng mặt bằng. Hầu như tỉnh, thành phố nào cũng xảy ra khiếu kiện , tố cáo. Những vụ nổi cộm như Tiên Lãng, Văn Giang, Đông Triều, Hà Nam, Cần Thơ gây xôn xao  dư luận trong và ngoài nước.  Chỉ riêng quý I-2013, đã có 104 lượt đoàn khiếu kiện đông người, với thái độ  quyết liệt, căng cờ, biểu nghữ tập trung trước trụ sở tiếp dân của Trung ương đảng, và Chính phủ tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.
              Nguyên nhân dân khiếu kiện, tố cáo  là do những  bất cập trong chính sách của đảng, nhà nước .
             Luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch ủy ban trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nói thẳng: “Khi nhà nước làm không đúng, thì người ta nói lên ý kiến của người ta. Ở  các nước khác  đều như vậy. Thậm chí người ta biểu tình phản đối. Đó là quyền công dân của người ta !” .
               Thực tế ở nước ta, quyền  lợi chính đáng của người dân bị xâm phạm, thậm chí bị cướp đoạt vào tay bọn thoái hóa biến chất, đạo đức và lối sống bị băng hoại. Người dân, cả cán bộ đảng viên,  gửi đơn khiếu nại, tố cáo cho các cơ quan đảng, nhà nước nhưng không được giải quyết đến nơi, đến chốn. Một bộ phận dân bị oan ức, bức xúc kéo nhau khiếu kiện, tố cáo  là chuyện thường tình.
               Thử hỏi ông Huỳnh Phong Tranh, tất cả  đơn từ, và  băng rôn, biểu ngữ  ở các cuộc khiếu kiện đông người, dù gay gắt như Văn Giang, Đông Triều,  Hà Nam, hoặc  ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội bây giờ, có câu chữ nào đụng chạm tới chính trị,  mà ông bảo “Mang màu sắc chính trị”?  Nếu ông chưa học, hoặc ông quên, người viết bài này xin nhắc để ông nhớ  cái khái niệm chính trị mà một chính khách như ông phải thuộc lòng: “Chính trị là tất cả những hoạt động, những vấn đề gắn với quan hệ giai cấp, dân tộc, đảng phái, quốc gia xoay quanh một một vấn đề trọng tâm là giành giữ và sử dụng quyền lực nhà nước!”.
          Người dân không có mục tranh giành,và sử dụng quyền lực nhà nước, không âm mưu lật đổ ai, chỉ muốn giành miếng cơm manh áo và một bầu không khí tự do dân chủ,  mà ông chụp cái “màu sắc chính trị” lên  họ rồi ra lệnh cưỡng chế ư?
          Khi mới nhậm chức ông muốn là bạn dân, giờ ông ra lệnh còng tay dân!
          Ông đã đẩy dân sang phe đối lập rồi. Và như thế ông đã làm lợi cho các đối tượng mà thanh tra phải đối đầu! Ông đã quên lời mình nói, hay không thể vượt qua được sự cám dỗ mà ông đã từng hứa sẽ cố gắng vượt qua?
           Là một người dân nghe lời tuyên bố của ông vừa qua, tôi cảm thấy vô cùng thất vọng. Hình như lịch sử đang được lặp lại một cách  thô thiển hơn.
           Gần sáu mươi năm trước, chỉ vì muốn có một bầu không khí tự dân chủ như Hiến pháp quy định, mà nhóm Nhân văn-Giai phẩm đã bị những người cực đoan, tiêu biểu là Tố Hữu chụp cho cái  mũ  “màu sắc chính trị, chống đảng”. Tổ Hữu kết tội họ: “Chúng vu khống đảng ta là chủ nghĩa cộng sản phong kiến bóp nghẹt tự do, vu khống  những người cộng sản là khổng lồ không tim, chà đạp con người, xuyên tạc những quan hệ giai cấp trong xã hội... Trần Đức Thảo cố tạo thế đối lập giữa lãnh đạo kìm hãm tự do và quần chúng lao động đòi tự do. Tất cả những luận điệu của chúng rõ ràng không nhằm mục đích nào khác , là chống lại lợi ích của Tổ quốc và chủ nghĩ xã hội ... (Tố Hữu, báo cáo tổng kết cuộc đấu tranh chống nhóm phá hoại Văn Nhân –Giai Phẩm , ngãy 4-6-1958).
             Chỉ vì cái  “màu sắc chính trị” vô hình vô ảnh ấy mà hàng trăm con người, trong đó có những trí thức,văn nghệ sỹ đầy tài năng, tâm huyết, như Trần Đức Thảo, Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Hữu Loan thân bại danh liệt, bị đày đọa  khốn cùng.
             Sáu mươi năm trôi qua, giờ đã đổi mới, thế thời đã khác, dân ta tưởng  được “tự do gấp vạn lần các nước tư bản” như bà Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan khẳng định, nào ngờ  ông  Tồng thanh tra Chính phủ vẫn mang bổn cũ ra soạn lại, và hăng hơn, lệnh cưỡng chế, đi lo xác minh, điều tra để …ngăn chặn, răn đe dân.
            Thực chất, khi nói đến chính trị thì nội hàm, ngoại diên của nó rất rộng và sâu sắc. Suy ra, người dân sống trong một nước có tự do, độc lập thì cái lớn nhất là được hưởng nhân quyền thực sự mạng tính dân chủ, có đất đai, tài sản, nhà cửa  để sinh sống; từ bát cơm, manh áo, phương tiện đi lại cho đến việc làm, rồi tờ báo để đọc, cuốn vở tập viết cho đến viên thuốc uống…đều là màu sắc chính trị. Nó phản ảnh rất cụ thể nền chính trị do đảng Cộng sản duy nhất cầm quyền này lo cho người dân được những gì, lo đến đâu? Có xứng đáng là một nền chính trị mang danh “nhà nước của dân, do dân, vị dân” hay không? Khi dân khiếu nại, thậm chí tố cáo ông đảng viên này, ông lãnh đạo cấp này-chức kia tham nhũng, đống chí X,Y,Z... cướp đất của dân, làm mất dân chủ nghiêm trọng, làm sai đường lối chính sách của đảng, là đụng đến "màu sắc chính trị" hay sao?
             Màu sắc chỉ chân thực khi có ánh sáng trong suốt của một môi trường trong lành. Cái màu sắc chính trị mà Tổng thanh tra Chính phủ chụp lên đầu dân xem ra rất thiếu ánh sáng đổi mới, là sản phẩm của một trí tuệ không minh mẫn, mà hình như sắc thái gương mặt ông cũng nói lên điều đó!  Từ khi nghe ông Chánh thanh tra Chính phủ phát biểu như vậy, tôi phải bóp đầu suy nghĩ và phải tự dằn nén cố mà bình tâm luận giải để khỏi bị tẩu hỏa nhập ma. Màu sắc chính trị của ông Tranh là gì? Chẳng lẽ dân mặc áo đỏ, đem cờ, biểu ngữ đỏ rực, chữ vàng, màu truyền thống cách mạng, màu cờ sao rất tự hào của đảng, của chế độ này là “màu sắc chính trị”? Dân còn tin chế độ này mới đem màu cờ đỏ đi đấu tranh đòi công bằng và quyền lợi chính đáng. Vậy mà ông Nguyến Thế Thảo, Chủ tịch UBND T.p Hà Nội nói: “Màu đỏ làm xấu bộ mặt Thủ đô”. Còn nay ông Tranh nói “màu sắc chính trị”, chẳng lẽ các ông sợ cả lời trong bài quốc ca: “Cờ in máu chiến thắng mạng hồn nước…”? Câu nói của ông một nửa chính trị, một nửa lấp lửng màu mè, không ra văn hoa mà cũng không phải hình tượng. Chẳng hiểu tư duy của ông màu gì?
M.D

Thấy gì qua vụ bài báo “Rửa vàng bằng cơ chế?” bị “bóc”?



Võ Văn Tạo
1Sáng 24-4, Báo Thanh Niên đăng bài “đinh” về đề tài kinh tế: Rửa vàng bằng cơ chế?*. Theo bài báo, cơ chế quản lý vàng tù mù, rối rắm, bất minh của Ngân hàng nhà nước đẻ ra tình trạng chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế cao bất thường trong mấy năm qua, tạo kẽ hở để ai đó trục lợi hàng trăm triệu USD, gây mất ổn định nền kinh tế – tài chính – tiền tệ quốc gia.
Với những dữ liệu cụ thể về từng chủng loại, số lượng, giá trị nhập vàng của Việt Nam trong 2 năm 2011 và 2012, lấy từ Hiệp hội Vàng thế giới và bối cảnh thị trường vàng Việt Nam, lập luận của bài báo là có căn cứ và khá thuyết phục.
Thiết tưởng, một bài báo kinh tế, chỉ ra những bất cập trong công tác quản lý, sẽ được giới chức hữu trách nghiêm túc nghiên cứu, để điều chỉnh chính sách sao cho đúng đắn, góp phần tháo gỡ khó khăn đang trầm trọng của nền kinh tế, nào ngờ…
Ngay tối 24-4, Thời sự VTV1 đưa tin, chiều cùng ngày, Ngân hàng nhà nước đã họp báo, ra thông cáo bác bỏ quan điểm bài báo Rửa vàng bằng cơ chế?, lớn tiếng chối bỏ sự thật rành rành giành độc quyền cho thương hiệu vàng miếng SIC(!?). Trước đó vài giờ, trên thanhnienonlines, bài báo trên bỗng âm thầm không cánh mà bay! Rõ ràng, phản ứng của Ngân hàng nhà nước trong vụ này bén nhạy và quyết liệt hơn hẳn phản ứng của Bộ Ngoại giao Việt Nam sau mỗi lần Trung Quốc xâm phạm thô bạo chủ quyền. Theo kinh nghiệm của báo giới, việc “bóc” bài báo trên ngoài tầm tay của Thống đốc Bình. Muốn “bóc” được, phải có lệnh từ Trưởng ban Tuyên giáo Đinh Thế Huynh, hoặc Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, hay Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Có bình thường không, khi một bài báo kinh tế làm cho Ngân hàng nhà nước nhảy dựng như đỉa phải vôi? Vì sao mấy tháng trước đây, hàng loạt tờ báo đăng tải vụ bê bối các “cá mập” Bầu Kiên, Trầm Bê… thao túng ngân hàng, khuynh đảo tài chính – tiền tệ quốc gia, không thấy Ngân hàng nhà nước phản ứng tương tự?
Trước vụ bài báo này, gần đây, giới quan sát từng ghi nhận 2 cú chủ động ra đòn vỗ mặt khá lộ liễu sau khi Ban Nội chính Trung ương tái lập, chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 7 vào trung tuần tháng 5 tới, với nội dung kiểm điểm thực hiện Nghị quyết Hội nghị trung ương 5 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong phòng chống tham nhũng, lãng phí và tổng kết phê, tự phê trong Đảng. Đó là việc Thanh tra Chính phủ bất ngờ công bố các sai phạm đất đai ở Đà Nẵng trong thời kỳ ông Nguyễn Bá Thanh còn làm Chủ tịch, rồi Bí thư và sai phạm đất đai ở Hà Nội khi ông Nguyễn Phú Trọng còn làm Bí thư. Các vụ sai phạm trên đều gây thất thoát ngân sách hàng nghìn tỷ đồng.
Theo tin tức rò rỉ, sự ra đi của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình là đích nhắm tới của phe đối phương trong Hội nghị Trung ương 7 tới. Tuy nhiên, điều đó có trở thành sự thật hay không, còn phải chờ xem. Cũng như trước đây, việc kỷ luật đồng chí X, đến phút chót, đã không thực hiện nổi như Bộ Chính trị đã quyết.
Xem ra, cuộc so găng giữa một bên là liên minh đồng chí X – Thống đốc Bình cùng phe nhóm với bên kia đang hồi quyết liệt (vụ này quyết liệt thật sự à nhe! Không phải “quyết liệt” thường trực nơi cửa miệng đồng chí X mỗi khi họp Chính phủ). Vụ Báo Thanh Niên phải tức tốc “bóc” bài Rửa vàng bằng cơ chế? cho thấy, ở hiệp đấu này, có vẻ như phe liên minh đồng chí X – Thống đốc Bình đang tạm thế thượng phong.
V.V.T.

Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

Đánh thuế tự do


Đánh thuế tự do

Góc Nhìn Phát Triển | 
Lê Quang
Nếu một quốc gia đánh thuế quá cao, người dân và doanh nghiệp sẽ tìm cách trốn thuế. Thuế cao nhưng tổng thu lại thấp vì nhiều người lách luật. Quản lý xã hội cũng vậy, nếu lấy mục đích ổn định làm trọng mà hạn chế quá mức tự do của con người e chừng cũng phản tác dụng.

Các nhà cầm quyền thường lấy mục tiêu “duy trì ổn định” hoặc “an ninh quốc gia” như là thượng tôn và quan trọng nhất. Để đạt điều này, họ thường cổ xúy cho sự đồng thuận về quan điểm hoặc đồng nhất về tư tưởng. Chính vì vậy, họ tìm mọi cách để hạn chế những ý kiến khác biệt vì cho rằng đó là nguyên nhân tạo ra bất ổn. Sự đồng thuận xã hội được xây dựng trên sự áp đặt hơn là thảo luận sẽ dẫn đến sự thụ động và né tránh. Khi con người thụ động hoặc né tránh, xã hội không còn ổn định nữa mà rơi vào trạng thái trì trệ tù túng. Về lâu dài, nó không những không tạo ra tiền đề để phát triển mà còn châm ngòi cho kháng cự và nổi loạn. Chính vì vậy, việc áp đặt quan điểm và tư tưởng quá đáng không tạo ra ổn định mà là trì trệ và hỗn loạn.




Khi báo chí bị kiểm duyệt hoặc định hướng gắt gao chẳng ai viết được những bài mang hơi thở cuộc sống, độc giả sẽ bỏ đi tìm nguồn thông tin nơi khác. Trong một xã hội mở, thông tin đa chiều và báo chí phải tự sống thì việc giữ được độc giả là vô cùng quan trọng. Vì vậy, để hấp dẫn độc giả báo chí sẽ phải “câu khách” bằng tiêu chí “sốc, sến, sex.” Điều này giải thích cho việc “quá tải” các chủ đề “chém, giết, hiếp”. Nó làm xói mòn đạo đức, tạo ra một sự thật méo mó và bất ổn trong xã hội. Nó tầm thường hóa nhà báo và lấy đi niềm tin của độc giả vào báo chí. Như vậy, việc định hướng quá đáng sẽ phản tác dụng vì không ai còn muốn nghe, đồng nghĩa với việc không ai còn “được định hướng” nữa

Trong nhà trường việc áp đặt một chân lý, một tư tưởng cũng có tác dụng ngược tương tự. Sinh viên là con người và họ có khát khao được tìm hiểu và khám phá thế giới. Cái họ muốn học là học cách nhìn nhận vấn đề đa chiều để giải thích cuộc sống đa dạng. Nếu họ bị áp đặt một chân lý duy nhất hay một tư tưởng chủ đạo thì vô hình chung thay vì tư duy sáng tạo họ sẽ học thuộc lòng để đối phó. Ra khỏi phòng thi tất cả những chân lý hay tư tưởng chủ đạo đó bị bỏ lại đằng sau vì cuộc sống dạy họ ngay rằng không có gì là tuyệt đối cả, mọi thứ đều có nhiều mặt của nó tùy mỗi góc nhìn. Như vậy, việc áp đặt quá mức trong nhà trường cũng phản tác dụng và lãng phí thậm chí là gây hại vì tạo ra những con người quen với giả dối và có thái độ tiêu cực với chính trị. Điều này tạo ra sự bàng quan trong giới trẻ, cho rằng chính trị là xấu xa, xa vời và không liên quan đến cuộc sống của mình.

Bên cạnh giáo dục, văn hóa cũng là lĩnh vực mà các nhà quản lý có xu hướng can thiệp quá sâu bằng các chỉ thị hành chính. Hậu quả là văn hóa mất sức sống và trở nên méo mó vì nó bị bật gốc ra khỏi cộng đồng. Tương tự, nếu có quá nhiều kiểm duyệt và giấy phép thì nghệ thuật không còn khả năng lột tả tinh thần cuộc sống. Nghệ sĩ đánh mất cái nhìn tinh tế và dự đoán xác thực xu hướng của xã hội. Cái gọi là nghệ thuật biến thành thứ để người ta tuyên truyền hơn là làm giàu tâm hồn và sức sáng tạo của con người. Đây chính là nguyên nhân tạo ra sự lai căng, mất bản sắc của văn hóa nghệ thuật dân tộc. Hậu quả là giới trẻ và người dân sẽ từ bỏ văn hóa và nghệ thuật “có kiểm duyệt”, đi theo các trào lưu và tôn thờ các nền văn hóa khác trên thế giới..

Tự do trong báo chí, giáo dục, văn hóa và nghệ thuật là điều kiện cần thiết cho phát triển. Vai trò của nhà nước là tạo ra môi trường để các cá nhân và tổ chức phát huy được sự sáng tạo và biến tâm huyết của mình thành sản phẩm truyền cảm hứng cho xã hội. Nếu không, dù các sản phẩm có được tô vẽ thế nào thì nó vẫn chỉ là sự dối trá, lai căng và không phản ánh chân thực cuộc sống và khát vọng của nhân dân. Hạn chế tự do cũng như đánh thuế, nó chỉ có thể là động lực cho ổn định và phát triển nếu nó được xây dựng trên sự thỏa thuận tự nguyện của mọi người. Khi đó, con người vừa có tự do quốc gia vừa có ổn định và phát triển. Nếu đi ngược lại, đất nước sẽ đi vào ngõ cụt tù túng và hậu quả sẽ là đổ vỡ, bất ổn và tụt hậu.









Thứ Tư, 24 tháng 4, 2013

Thị trường vàng: Nguy cấp! Điều hành vàng: Thất bại!


25/04/2013 - 06:00
Thị trường vàng: Nguy cấp! Điều hành vàng: Thất bại!
Thanh tra cần làm rõ: Vàng lậu vào VN là bao nhiêu? Đấu giá vàng và tạo ra tình hình độc quyền thương hiệu để làm gì?

Góp ý nhân đợt Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra công tác quản lý kinh doanh vàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Thị Hiền cho rằng: Sự phê phán về tình trạng độc quyền trong nhập khẩu vàng nguyên liệu, chế tác và đấu giá vàng miếng và kiến nghị NHNN trả lại thị trường cho vàng đều có cơ sở, căn cứ và cần được lắng nghe thấu đáo. Và mức tăng giá vàng kéo theo giá USD những ngày qua là tín hiệu đáng lo ngại.
Không thể chấp nhận
Theo bà, NHNN đứng ra “bao sô” các hoạt động nhập nguyên liệu, đấu thầu vàng, chỉ chấp nhận một thương hiệu… là sai quy luật của thị trường, gây ra thiệt hại cho người dân có nhu cầu mua vàng. “Diễn biến này đã có từ năm 2012 nhưng NHNN phản ứng quá chậm để khắc phục. Đây là điều không thể chấp nhận được” - bà nhấn mạnh.
Nguyên nhân của tình trạng trên được bà Hiền cho là do nguồn cung không đáp ứng đủ. Đấu thầu vàng chỉ giúp các tổ chức kinh doanh vàng cân bằng trạng thái vàng chứ không nhằm cung cho thị trường. Chuyện thị trường vàng sẽ ổn định khi việc tất toán vàng hoàn thành sau 30-6-2013 là rất khó. Cũng không có hy vọng nào cho thấy chênh lệch giá vàng sẽ giảm. Mà chênh lệch vàng sẽ dẫn đến buôn lậu vàng, USD hút vào nhập vàng và tỉ giá thì tăng lên như hiện nay.
Theo TS Nguyễn Thị Hiền, đấu thầu vàng chỉ giúp các tổ chức kinh doanh vàng cân bằng trạng thái vàng chứ không nhằm cung cho thị trường. Ảnh: HTD
“Theo tôi, Thanh tra Chính phủ cần xác minh cái lợi - hại của đấu thầu vàng. Rất mong qua đợt thanh tra này sẽ tìm ra nguyên nhân gây nên sự biến động vô lý của thị trường vàng. Đấu thầu không giúp cải thiện thị trường vàng. Hãy trả lại vàng về đúng thị trường và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp có nguồn ngoại tệ chính đáng tham gia chế tác, kinh doanh tăng cung thực chất cho thị trường” - bà gửi gắm.
Có lợi cho ai?
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh nói thẳng: Thị trường vàng lúc này nguy cấp lắm rồi mà sao không thấy người có trách nhiệm của NHNN đứng ra giải thích? Có thể nói tất cả chính sách điều hành về thị trường vàng của NHNN áp dụng đến nay đã thất bại hoàn toàn.
“Quyết định của Thanh tra Chính phủ là chính xác và kịp thời. Tôi mong thanh tra làm rõ các vấn đề như lượng vàng nhập vào Việt Nam là bao nhiêu? Vàng lậu đi vào bằng con đường nào. Có ai bao che, tiếp tay hay không? Về điều hành của NHNN, thanh tra cần làm rõ việc tổ chức đấu thầu vàng để làm gì? Tại sao lại gây ra tình hình độc quyền? Các chính sách pháp luật quản lý thị trường vàng có lợi cho ai? Có “lợi ích nhóm” trong này hay không? Tôi ví cứ điều hành vàng theo cách đấu thầu thì Bộ Xây dựng có thể đấu thầu xi măng, Bộ NN&PTNT thì đấu thầu gạo… hay sao?” - ông nói rõ.
Trách nhiệm phát ngôn lung tung
TS Lê Đăng Doanh còn nhận xét phát ngôn của NHNN trong việc quản lý thị trường “cứ lung tung”, lúc thì bảo ổn định giá vàng, lúc lại nói bình ổn thị trường. “Như tôi biết bất cứ một mặt hàng nào mà có chênh lệch từ 5 triệu đồng trở lên thì không có lực lượng hải quan nào quản nổi. Tôi góp ý thanh tra cần làm rõ việc điều hành thị trường vàng của NHNN có nằm trong các chính sách tổng thể về kinh tế hay không, có đảm bảo lòng tin về tỉ giá hay không... Ai phải chịu trách nhiệm và trách nhiệm đến đâu trong chính sách điều hành này” - ông Doanh nói.
TRÀ PHƯƠNG - B.NHƠN

THẤY GÌ QUA VỤ BÀI BÁO "RỬA VÀNG BẰNG CƠ CHẾ?" BỊ BÓC?


THẤY GÌ QUA VỤ BÀI BÁO "RỬA VÀNG BẰNG CƠ CHẾ?" BỊ BÓC?

Võ Văn Tạo
Sáng 24-4, Báo Thanh Niên đăng bài “đinh” về đề tài kinh tế: Rửa vàng bằng cơ chế?. Theo bài báo, cơ chế quản lý vàng tù mù, rối rắm, bất minh của Ngân hàng nhà nước đẻ ra tình trạng chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế cao bất thường trong mấy năm qua, tạo kẽ hở để ai đó trục lợi hàng trăm triệu USD, gây mất ổn định nền kinh tế - tài chính – tiền tệ quốc gia.
Với những dữ liệu cụ thể về từng chủng loại, số lượng, giá trị nhập vàng của Việt Nam trong 2 năm 2011 và 2012, lấy từ Hiệp hội Vàng thế giới và bối cảnh thị trường vàng Việt Nam, lập luận của bài báo là có căn cứ và khá thuyết phục.

Thiết tưởng, một bài báo kinh tế, chỉ ra những bất cập trong công tác quản lý, sẽ được giới chức hữu trách nghiêm túc nghiên cứu, để điều chỉnh chính sách sao cho đúng đắn, góp phần tháo gỡ khó khăn đang trầm trọng của nền kinh tế, nào ngờ…
Ngay tối 24-4, Thời sự VTV1 đưa tin, chiều cùng ngày, Ngân hàng nhà nước đã họp báo, ra thông cáo bác bỏ quan điểm bài báo Rửa vàng bằng cơ chế?, lớn tiếng chối bỏ sự thật rành rành giành độc quyền cho thương hiệu vàng miếng SIC(!?). Trước đó vài giờ, trên thanhnienonlines, bài báo trên bỗng âm thầm không cánh mà bay! Rõ ràng, phản ứng của Ngân hàng nhà nước trong vụ này bén nhạy và quyết liệt hơn hẳn phản ứng của Bộ Ngoại giao Việt Nam sau mỗi lần Trung Quốc xâm phạm thô bạo chủ quyền. Theo kinh nghiệm của báo giới, việc “bóc” bài báo trên ngoài tầm tay của Thống đốc Bình. Muốn “bóc” được, phải có lệnh từ Trưởng ban Tuyên giáo Đinh Thế Huynh, hoặc Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, hay Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Có bình thường không, khi một bài báo kinh tế làm cho Ngân hàng nhà nước nhảy dựng như đỉa phải vôi? Vì sao mấy tháng trước đây, hàng loạt tờ báo đăng tải vụ bê bối các “cá mập” Bầu Kiên, Trầm Bê… thao túng ngân hàng, khuynh đảo tài chính – tiền tệ quốc gia, không thấy Ngân hàng nhà nước phản ứng tương tự?
Trước vụ bài báo này, gần đây, giới quan sát từng ghi nhận 2 cú chủ động ra đòn vỗ mặt khá lộ liễu sau khi Ban Nội chính Trung ương tái lập, chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 7 vào trung tuần tháng 5 tới, với nội dung kiểm điểm thực hiện Nghị quyết Hội nghị trung ương 5 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong phòng chống tham nhũng, lãng phí và tổng kết phê, tự phê trong Đảng. Đó là việc Thanh tra Chính phủ bất ngờ công bố các sai phạm đất đai ở Đà Nẵng trong thời kỳ ông Nguyễn Bá Thanh còn làm Chủ tịch, rồi Bí thư và sai phạm đất đai ở Hà Nội khi ông Nguyễn Phú Trọng còn làm Bí thư. Các vụ sai phạm trên đều gây thất thoát ngân sách hàng nghìn tỷ đồng.
..........
V.V.T.

Từ thống kê về Việt Nam của Hiệp hội Vàng thế giới:
 “Rửa” vàng bằng cơ chế ?

24/04/2013 03:25
Những bí mật của thị trường vàng Việt Nam đã được “kể” ra từ những con số thống kê của Hiệp hội Vàng thế giới.
Lượng vàng VN nhập khẩu
1
Nguồn: Hiệp hội vàng thế giới -  Đồ họa: Hồng Sơn
Hàng tỉ USD nhập vàng lậu ?   
Theo Hiệp hội Vàng thế giới, chỉ trong hai năm 2011 và 2012, tổng nhu cầu vàng VN đã lên đến gần chục tỉ USD. Trong đó, giá trị vàng nữ trang nhập đã lên đến con số gần 1,3 tỉ USD. Cụ thể, lượng vàng nữ trang VN nhập khẩu năm 2011 là 13 tấn, trị giá 634 triệu USD. Sang năm 2012, ngoại tệ nhập vàng nữ trang còn nhiều hơn. Quý 1 nhập 5 tấn, trị giá 269 triệu USD, quý 2 nhập 3 tấn, trị giá 156 triệu USD, quý 3 nhập 2,5 tấn trị giá 130 triệu USD và quý 4 là 2 tấn, trị giá 111 triệu USD. Tổng cộng, năm 2012 VN đã nhập 12,5 tấn, trị giá 666 triệu USD. Chỉ tính riêng vàng nữ trang, trong 2 năm qua VN đã bỏ ra gần 1,3 tỉ USD để nhập khẩu. Đáng nói, cho đến nay NHNN chưa cấp phép cho bất cứ đơn vị nào nhập vàng nữ trang và nếu đúng thì số vàng nữ trang với khối lượng lên tới trên 25,5 tấn này là nhập lậu hoàn toàn.
2Cũng theo thống kê của Hiệp hội Vàng thế giới, trong 2 năm này số lượng vàng thỏi nhập vào VN còn lớn hơn nhiều. Cụ thể, trong năm 2011 vàng thỏi nhập vào VN tổng cộng là 87,8 tấn, trị giá 4,561 tỉ USD. Năm 2012, con số này cũng không kém với tổng cộng là 75,2 tấn, tương đương trên 4 tỉ USD. Riêng với vàng thỏi, trong năm 2011 và 2012, NHNN cũng không cấp phép công ty nào được nhập loại vàng này. Vì vậy, vàng thỏi chỉ có thể vào thị trường nội địa theo 2 con đường. Thứ nhất là NHNN cho phép các NHTM mua trạng thái nước ngoài và thứ hai là vàng thỏi nhập lậu.
Những con số trên nói lên rằng, vàng lậu đã, đang và sẽ tiếp tục tràn vào VN. Đây cũng chính là nguyên nhân gây biến động tỷ giá trong suốt thời gian qua. Điều này hợp lý và lý giải vì sao cầu ngoại tệ “chính thống” của nền kinh tế mấy năm nay không tăng, dự trữ ngoại tệ tăng mạnh nhưng “sóng tỷ giá” vẫn thỉnh thoảng lại nổi lên. Ngay tại thời điểm này, khi khoảng cách giá vàng trong nước và thế giới bị đẩy cao lên mức kỷ lục, trên 6 triệu đồng/lượng, thì tỷ giá ngoài thị trường tự do lại bị hun nóng một cách đáng ngờ.
Hợp pháp hóa vàng lậu ?     
Với những biến động tại thị trường vàng, các chính sách xuất – nhập và cuộc chuyển đổi vàng phi SJC sang SJC trong thời gian qua hé lộ khả năng đã có tình trạng trục lợi chính sách để “rửa” số lượng vàng lậu khổng lồ đã tràn vào VN. Bởi như phân tích trên, ngoài “chui” vào kênh vàng nữ trang, vàng lậu còn có thể được dập thành vàng miếng giả thương hiệu SJC, vàng nữ trang dưới tên gọi phi SJC. NHNN đã chính thức quản lý việc dập vàng miếng thương hiệu độc quyền SJC nên nếu muốn hợp pháp hóa số vàng lậu chỉ có con đường duy nhất là xuất ra rồi nhập trở lại. Và cũng trùng hợp NHNN “bỗng dưng” (nói bỗng dưng là bởi trước đó, NHNN công bố có khoảng 500 tấn vàng đang nằm trong dân và lên phương án huy động. Với lượng vàng trong dân nhiều như vậy, không có lý do gì để nhập vàng) cho phép tạm xuất vàng phi SJC để tái nhập 11 tấn vàng khối về dập vàng miếng SJC. Sự “trùng hợp” này rất dễ tạo điều kiện cho vàng lậu được đưa vào diện phi SJC, sau đó xin phép xuất ra để nhập vào để hợp thức hóa thành vàng chính ngạch. Hay nói cách khác là “rửa vàng” kiếm lợi khủng. Nếu chỉ lấy mức chênh lệch giữa vàng trong nước và thế giới trung bình là 3 triệu đồng/lượng thì với 25,5 tấn vàng nhập lậu, lợi nhuận từ vàng lậu lên cả trăm triệu USD.
Nhưng mọi chuyện không dừng ở đó. Số vàng lậu nhập vào VN trong 2 năm qua,3 như thống kê của Hiệp hội Vàng thế giới, là 25,5 tấn (chỉ tính riêng vàng nữ trang). Đợt “tạm xuất, tái nhập” vừa rồi được 11 tấn vàng và đã được NHNN bán hết sau phiên đấu thầu ngày hôm qua. Như vậy, còn khoảng gần 15 tấn vàng lậu vẫn đang “ẩn” trên thị trường chờ cơ hội hợp pháp hóa. Câu hỏi đặt ra là, liệu có xảy ra thêm một cuộc tạm xuất – tái nhập để chuyển thể về vàng miếng SJC một cách chính danh nữa hay không? Câu trả lời vẫn phải chờ, nhưng những biểu hiện của thị trường vàng hiện nay đang cho thấy điều đó hoàn toàn có thể tiếp tục được thực hiện. Cụ thể, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới (lý do lớn nhất để phải bình ổn) đang ở mức kỷ lục, khoảng 6 triệu đồng/lượng, lượng vàng NHNN nhập khẩu trước đó đã bán hết sau 11 phiên đấu thầu… Khả năng tạo những cơn khan hiếm giả gây áp lực xuất – nhập để hợp pháp hóa vàng lậu là rất lớn.
Giá vàng VN trong quá khứ có cao có thấp hơn giá thế giới, nhưng mấy năm trở lại đây luôn cao hơn vàng thế giới rất nhiều. Trong quá khứ, VN có xuất khẩu vàng, nhưng mấy năm gần đây vàng xuất hầu như không có mà vàng nhập thì rất lớn. Đặc biệt, là nhập lậu. Đây là kết quả từ chính sách quản lý thị trường vàng yếu kém, tạo cơ hội cho các đơn vị, giới đầu nậu, giới đầu cơ… thao túng, trục lợi từ ngay trên cơ chế.
Vàng là thủ phạm làm tăng giá USD: Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN cũng khẳng định, diễn biến kinh tế vĩ mô chưa cho thấy áp lực căng thẳng quá lớn về đồng USD. Nhưng vừa qua, sự nóng lên của đồng ngoại tệ này chính do các đầu nậu tranh thủ nhập vàng đế “kiếm lời”. Ở các địa bàn như TP.HCM, Hà Nội nhu cầu tiêu thụ vàng bao giờ cũng rất lớn, với mức chênh lệch giá như vừa qua, dễ hiểu giới buôn lậu vàng chắc chắn đã vào cuộc. Một chuyên gia nhiều kinh nghiệm trên thị trường tài chính cũng nhận định, trong tình hình khó khăn hiện nay, cầu USD cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thực sự chưa cao, trong khi đó nhập siêu quý 1 không quá lớn để gây áp lực lên cán cân thương mại, thì có thể thấy nhiều khả năng vàng chính là thủ phạm khiến USD đã tăng giá so với VND.Anh Vũ (ghi)
Nguyên Hằng
Nguồn: Thanh niên
Bài đính chính trên báo Thanh Niên sau phản ứng của NHNN:

Ngân hàng Nhà nước: Quản lý thị trường vàng đúng quy định của pháp luật