Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

LẠI TIN NÓNG : ÔNG TRẦN XUÂN GIÁ BỊ KHỞI TỐ




Khởi tố cựu Chủ tịch HĐQT ACB Trần Xuân Giá

Thứ năm 27/09/2012 16:00
(GDVN) - Hôm nay, 27/9, Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố ông Trần Xuân Giá, nguyên Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư, Cựu Chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB.
Theo nguồn tin của báo Giáo dục Việt Nam, ông Giá bị khởi tố để điều tra về hành vi cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Quyết định khởi tố đã được tống đạt và ông Giá được cho tại ngoại do sức khỏe yếu và nghiêm túc hợp tác với cơ quan điều tra.

Cũng trong vụ này, cơ quan điều tra còn khởi tố bị can đối với 3 người khác là ông Trịnh Kim Quang (SN 1954, ở quận 3, TP. Hồ Chí Minh), ông Lê Vũ Kỳ (SN 1956, ở Ba Đình, HN), ông Phạm Trung Cang (SN 1954 ở quận 3, TP. Hồ Chí Minh). Cả 4 bị can đều bị áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.

Ông Trần Xuân Giá, Cựu chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB

Phóng viên báo Giáo dục Việt Nam nhiều lần liên lạc qua điện thoại ông Trần Xuân Giá nhưng không có hồi đáp.

Trước đó, chiều ngày 18/9, website ACB phát đi thông báo ông Trần Xuân Giá, ông Lê Vũ Kỳ và ông Trịnh Kim Quang đồng loạt rời khỏi HĐQT của ACB với những lý do khác nhau trong đó ông Giá từ nhiệm với lý do sức khỏe.

Các ngày sau đó, một số thông tin về việc ông Giá bị khởi tố đã được đăng tải nhưng sau đó lại bị rút. Trao đổi với báo Giáo dục Việt Nam, ông Giá 2 lần lên tiếng bác bỏ những thông tin về việc mình bị khởi tố và bị bắt.

Trong thông cáo ngày 19/9, ACB cho biết ông Giá có liên quan đến việc phê chuẩn cho ông Lý Xuân Hải (nguyên tổng giám đốc ACB, đã bị khởi tố, bắt giam) ủy thác 19 nhân viên ngân hàng nhận 718 tỉ đồng của ACB để gửi vào Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Viettinbank).

Theo một số nguồn tin, ông Giá có dấu hiệu sai phạm khi ký nghị quyết HĐQT cho phép tổng giám đốc Lý Xuân Hải ủy thác rút 718 tỉ đồng của ACB gửi sang Viettinbank để hưởng lãi suất cho vay cao hơn lãi suất định hướng của NHNN. Hành vi của ông Giá, giống như hành vi của ông Lý Xuân Hải bị khởi tố, bắt tạm giam trước đó, được coi là làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế.
Hậu quả nghiêm trọng là sau đó số tiền này lại được chuyển vào tài khoản của đối tượng lừa đảo Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ (TP.HCM) thuộc Ngân hàng Vietinbank) - từng được coi là đại gia trong lĩnh vực tài chính - chứng khoán. Nửa cuối năm 2011, kinh tế suy giảm kéo theo sự đóng băng của thị trường địa ốc, thị trường tài chính xuống dốc, số tiền này đã bị Như làm cho bốc hơi, gây thiệt hại cho ACB...

Cơ quan điều tra đã xác định, trong vụ án này, từ tháng 5/2010 đến tháng 11/2011, Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên) là Phó CT HĐ sáng lập Ngân hàng ABC đã chỉ đạo Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB ra chủ trương ủy thác cho nhân viên nhận tiền rồi gửi vào các ngân hàng khác để lấy lãi. Tuy nhiên, khi gửi vào Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè và Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đã bị Như cùng đồng bọn chiếm đoạt và không có khả năng hoàn trả.

Với tư cách là các thành viên Thường trực HĐQT, ông Trần Xuân Giá, ông Lê Vũ Kỳ, ông Trịnh Kim Quang, ông Phạm Trung Cang và ông Lý Xuân Hải đã ký đồng ý với ý kiến chỉ đạo của Bầu Kiên. Việc làm đó là trái quy định của pháp luật, trực tiếp gây thiệt hại cho ngân hàng ACB. Hành vi của các bị can là cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Trao đổi với Tiền phong về việc ký ủy thác này, ông Trần Xuân Giá nói: "Mình chỉ có mỗi việc là Hải (Lý Xuân Hải - nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng ACB - PV) trình, thì cùng với các thành viên thường trực có ký vào. Thực ra, tiền thì đã huy động rồi, đem đi gửi ở ngân hàng khác.

Bạn biết đấy, theo Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực thi hành từ 1/1/2011, hoạt động ủy thác đầu tư và nhận ủy thác không hề có quy định và do đó tất cả các ngân hàng đều làm. Người nào đó chiếm đoạt, hay không chiếm đoạt thì mình cũng không biết, vì không thuộc thẩm quyền của mình. Mãi đến tháng 3/2012, Ngân hàng Nhà nước mới có Thông tư 04 hướng dẫn luật.

Như vậy, từ khi Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực thì không có bất kỳ văn bản nào nói hoạt động ủy thác từ nay dừng để chờ hướng dẫn. Hoàn toàn không có. Hơn nữa, muốn ra lệnh dừng thì phải có thời gian nhất định để các ngân hàng thu hồi các khoản đã cho vay chứ".


Xã hội


Khởi tố ông Trần Xuân Giá

 - Ngày 27/9, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã chính thức phát đi nội dung thông báo về việc khởi tố một số nguyên lãnh đạo ngân hàng ACB về tội "Cố ý làm trái". 
Theo thông tin từ Cơ quan CSĐT Bộ Công an, cơ quan này đang thụ lý điều tra vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại TP.HCM và TP.Hà Nội theo quyết định khởi tố vụ án hình sự số 04/C46(P10) ngày 28/9/2011.
Quá trình điều tra vụ án đến nay đã có căn cứ xác định Huỳnh Thị Huyền Như đã có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt của Ngân hàng ACB số tiền 718,.908 tỷ đồng. 
Để xảy ra hậu quả thiệt hại này có hành vi cố ý làm trái của một số cá nhân nguyên là lãnh đạo Ngân hàng ACB đã ra chủ trương để Ngân hàng ACB ủy thác cho nhân viên gửi tiền VNĐ và USD vào 29 ngân hàng để hưởng lãi suất cao hơn trần lãi suất do Ngân hàng Nhà nước quy định.
Ông Trần Xuân Giá

Những việc làm của các thành viên Thường trực Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB đã sai quy định tại Điều 106 Luật các tổ chức tín dụng và thông tư số: 02/2011/TT-NHNN ngày 3/3/2011 của Ngân hàng Nhà nước, gây hậu quả đặc biệt lớn, ảnh hưởng đến tình hình an ninh tiền tệ, gây bất ổn đến chính sách tiền tệ của Chính Phủ và trực tiếp gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB 718,908 tỷ đồng.
Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã thu thập được và xác định của Ngân hàng Nhà nước tại Công văn số: 350/NHNN-TTGSNH.m ngày 17/5/2012 đã có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Sau khi thống nhất với VKSND Tối cao, ngày 20/8/2012, Cơ quan CSĐT, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Lý Xuân Hải về tội "Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại Điều 165 BLHS.
Ngày 18/9/2012, đã khởi tố bị can Nguyễn Đức Kiên với tội danh tương tự.
Đối với các ông Trần Xuân Giá, nguyên Chủ tịch, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, nguyên phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB (đã có đơn từ nhiệm) ra chủ trương cho ủy thác cho nhân viên dùng tiền Ngân hàng ACB gửi vào các tổ chức tín dụng sai quy định, gây hậu quả nghiêm trọng.
Các ông này cũng là người đồng phạm với Nguyễn Đức Kiên và Lý Xuân Hải về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kịnh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Vì vậy, Cơ quan điều tra đã khởi tố đối với 4 trường hợp nêu trên.
Tuy nhiên, do các ông Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang và Phạm Trung Cang có nhân thân tốt, có thái độ khai báo thành khẩn, tích cực hợp tác với Cơ quan điều tra, có nơi cư trú rõ ràng, xét tính chất và mức độ hành vi vi phạm pháp luật nên Cơ quan điều tra đã thống nhất với VKSND Tối cao áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, cho tại ngoại.
M.Anh